Làng hoa Tây Tựu: Vựa hoa – “vựa” độc!

10/07/2014 00:00

(TN&MT) - Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại làng hoa Tây Tựu đang làm cho môi trường bị hủy hoại.

(TN&MT) - Một trong những “vựa hoa” còn sót lại ở thủ đô là làng hoa Tây Tựu. Với truyền thống lâu năm trong nghề trồng hoa kết hợp khí hậu, thổ nhưỡng đã mang lại cuộc sống khá sung túc cho người dân nơi đây. Song, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu không tuân thủ quy định đang làm cho môi trường làng hoa Tây Tựu dần bị hủy hoại.
   
   
Lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng
   
  Làng hoa Tây Tựu trồng rất nhiều loài hoa, đa dạng chủng loại, nhưng loài hoa kinh tế nhất hiện nay vẫn là hồng và cúc bởi hai loại này cho thu hoạch quanh năm.
TS.BS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định: Những mẫu hóa chất được người dân sử dụng, như: DDT, BHC, Endrin, Diedrin… đều là thuốc cực độc và bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia chứ không riêng ở Việt Nam.
   Tuy nhiên, hoa hồng cũng như hoa cúc lại là loài hoa dễ gặp phải nhiều sâu bệnh nhất, vì vậy người trồng hoa phải chú ý từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Ngoài ra, công việc trồng hoa còn cần phải đảm bảo nhiều quy trình nghiêm ngặt để cho hoa được nở đúng dịp.
   
  Do sức ép kinh tế và muốn hoa đẹp, ít phải chăm, người dân đã liên tục sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích dẫn đến môi trường ở đây đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đến cánh đồng hoa Tây Tựu luôn phảng phất mùi của thuốc sâu, ở đây không khó để bắt gặp cảnh người nông dân đeo trên lưng bình thuốc tay thì cầm cần phun thuốc sâu và cứ cách từ ba đến bốn ruộng hoa lại có hộ nông dân phun thuốc trừ sâu. Anh Trần Hữu Thịnh ở thôn 1 Tây Tựu cho biết, việc phun thuốc sâu là thường xuyên, nếu sâu bệnh nhiều thì cứ 3 ngày lại phun thuốc cho vườn hoa một lần, còn ít cũng là tuần một lần, xen kẽ vào đó là vài ba lần phun thuốc diệt cỏ cho hoa để phòng và ngăn ngừa sâu bệnh.
   
  Trao đổi với bác Trần Thị Hoa - người làm nghề trồng hoa lâu năm được biết, trồng hoa phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và đặc biệt là các loại thuốc trừ sâu. Vào mùa hè nắng nóng, mưa nhiều sâu bệnh phát triển vì vậy giải pháp chỉ có thể là phun thuốc sâu. Sâu bệnh thì nhiều vô kể, tuy nhiên hoa bị bệnh gì thì có thuốc đặc trị tương ứng, nếu bệnh nặng thì người nông dân sẽ tăng liều lượng.
   
  Như vậy, có thể thấy, người nông dân Tây Tựu đang coi việc phun thuốc trừ sâu cho hoa như là một bí kíp để có thể chăm sóc, phát triển hoa tươi, đẹp. Nhiều luống hoa hồng, hoa cúc… lượng phun thuốc nhiều đến nỗi đọng trắng cả trên các phiến lá của hoa. Đây cũng chính là nguy cơ thường trực ảnh hưởng trực tiếp đến những người đang lao động trên cánh đồng hoa này.
   
Trong vòng vây ô nhiễm
   
  Khảo sát một vài cơ sở bán các thuốc BVTV trong làng cho thấy, không chỉ có thuốc của trung tâm BVTV mà còn cả thuốc xuất xứ từ Trung Quốc, đấy là chưa kể đến những loại thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc.
   
  Ngoài ra, công tác vệ sinh sau khi phun thuốc của người dân làng hoa Tây Tựu cũng đáng báo động nhiều vỏ bao, nhiều chai lọ thuốc BVTV vứt vô tội vạ, la liệt trên các cánh đồng. Trong đó, tên nhiều loại thuốc mà PV ghi lại được khi đi thực tế tại cánh đồng hoa Tây Tựu như: Mopride, Vertimec, Dipomate… đều là những loại được khuyến cáo là cực kỳ độc hại.
   
  Những loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ có trong danh mục cho phép và những quy định về bảo vệ môi trường sau khi sử dụng đã được quy định khá đầy đủ và chi tiết trong các văn bản pháp luật hiện hành. Vậy mà ở một làng hoa ngay giữa thủ đô, những nguyên tắc rất phổ thông như thu gom, xử lý vỏ, phần thừa thuốc bảo vệ thực vật lại chưa được quan tâm xử lý? Ông Nguyễn Phan Tửu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tây Tựu cho biết, việc nông dân của phường lạm dụng phun thuốc sâu là có, phần lớn là họ dựa vào kinh nghiệm để phun thuốc sâu, khi chưa thấy hiệu quả thì tự ý tăng liều lượng và số lần phun. Còn việc người dân vứt bừa bãi vỏ bao, chai lọ thuốc sâu là do ý thức người dân chưa cao!?
   
  Làng hoa Tây Tựu đang nằm trong vòng vây ô nhiễm. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại đây. Bởi nếu không, nguy cơ hình thành một làng ung thư sẽ là nhãn tiền!
   
Năm 2011, công trình nghiên cứu khoa học đánh giá về sự tồn dư của chất bảo vệ thực vật trong môi trường vùng trồng hoa ở xã Tây Tựu do PGS.TS Lê Văn Thiện (chuyên gia về hóa nông nghiệp, khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm chủ nhiệm đã chỉ ra một hàm lượng đáng kể của các chất bảo vệ thực vật bị cấm như: DDT, Endrin, BHC, Diedrin... đã có trong các mẫu đất ở Tây Tựu. Đặc biệt, hàm lượng của các chất DDT, Endrin đã vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.
Công trình nghiên cứu khoa học trên cũng nêu rõ: Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Tây Tựu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua ba con đường gồm: Hô hấp, da, ăn uống. Ngoài ra, các chất này còn có thể gây bệnh ung thư, làm tổn thương bộ máy di truyền, gây vô sinh ở nam và nữ, làm giảm khả năng kháng thể, mắc bệnh thần kinh, giảm trí nhớ, bệnh tâm thần. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, có thể dẫn đến thiếu oxy trong máu, giảm trí thông minh, chậm biết đọc, biết viết.
    
   
HUY AN
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng hoa Tây Tựu: Vựa hoa – “vựa” độc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO