Xã hội

Lang Chánh (Thanh Hóa): Định hướng mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững

Tuyết Trang 25/09/2024 - 12:15

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tại các huyện Miền Núi Thanh Hóa, chính quyền huyện, xã đã rất trăn trở tìm ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Về phía người nông dân “quanh năm chân lấm tay bùn” cũng không để cho "đất nghỉ", họ cũng tự mày mò tìm ra hướng đi mới cho mình bằng cách du nhập những cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là tại xã vùng cao miền núi Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) nông dân đã tự du nhập cây Giang về trồng, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo...

Là vùng đất vùng cao đầy khó khăn, nhưng bù lại huyện Lang Chánh có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của huyện rất phù hợp với cây họ tre, họ nứa, đặc biệt nơi đây là vùng đất của xứ sở Vua luồng, nhưng do trồng nhiều, nên đôi lúc cây luồng bán chậm vả lại do thâm canh cây luồng triền miên nhiều năm, đất đai, thổ nhưỡng không được tái tạo nên đã cằn cỗi, nhiều địa phương cây luồng trồng lên mặc dù được chăm sóc kỹ càng nhưng cây vẫn chậm lớn, chậm cho thu hoạch nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Chính vì thế, từ nhiều năm nay, chính quyền xã Đồng Lương đã trăn trở tìm hướng thoát nghèo mới cho người dân bằng cách chuyển đổi diện tích trồng luồng kém năng suất và hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Qua những đợt đi thực tế và tìm hiểu trên sách báo, tìm hiểu từ bạn bè, người thân, ông Mai Xuân Thao, xã Đồng Lương nhận thấy lợi ích về kinh tế từ cây Giang đem lại cho nhân dân ở các tỉnh miền Núi phía Bắc như: Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình… là rất lớn, nhiều hộ gia đình nơi đây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Mai Xuân Thao cũng nhận thấy các tỉnh Miền Núi phía Bắc có khí hậu, thổ ngưỡng gần giống miền núi Thanh Hóa nhất là huyện miền núi Lang Chánh thì việc trồng cây Giang mang lại thu nhập ổn định thoát nghèo từ việc thu hái và xuất khẩu lá giang, ông Mai Xuân Thao đã mạnh dạn trồng trên 20 ha cây Giang, đồng thời đầu tư mở rộng quy mô vườn ươm giống cây giang lấy lá tại xã Đồng Lương, để phục vụ cho việc liên kết, hỗ trợ bà con nhân dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái bao tiêu đầu ra cho nhân dân tham gia trồng cây Giang lấy lá xuất khẩu.

anh-1.jpg
Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây giang lấy lá

Đồng thời, cũng từ đầu năm 2024, ông Mai Xuân Thao đã tiếp tục triển khai trồng thí điểm cây Giang lấy lá tại xã Tân Phúc và xã Đồng Lương, diện tích cây giang đang phát triển rất tốt và có thể thu hái lá, hiện tại ông đang mở rộng diện tích, đồng thời hướng dẫn nhân dân các quy trình kỹ thuật về ươm giống từ hạt, chăm sóc tốt vườn ươm, đảm bảo cung ứng đủ giống khi bà con nhân dân có nhu cầu đăng ký trồng cây giang.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Xuân Thao cho biết: Nhận thấy có rất nhiều hộ gia đình đăng ký trồng cây Giang để lấy lá, nhu cầu về giống cây Giang lớn nên gia đình ông đã triển khai ươm cây Giang giống, phục vụ cho các hộ có nhu cầu trồng cây Giang tại địa phương và các huyện lân cận...

Cây Giang có một điểm khá đặc biệt là càng hái các lá to già đi thì cây càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới. Lá to thu hái để bán, còn lá nhỏ bà con làm thức ăn cho trâu, bò... Cây Giang trồng không chỉ giúp người dân vươn lên làm giàu, việc phát triển cây Giang còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo khí hậu ôn hòa cho người dân, giảm lũ lụt, hạn hán, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất đất.

anh-2.jpg
Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây giang lấy lá

Hiện nay việc trồng cây Giang của gia đình ông Thao cũng không mất nhiều công chăm sóc như những cây trồng khác, mỗi năm cây Giang có thể cho thu lá từ 6 - 7 lần và được thương lái đánh giá là chất lượng tốt. Được biết, sắp tới ông Thao sẽ cung cấp toàn bộ giống miễn phí cho bà con đang ký và ký kết hợp đồng rõ ràng, để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện tại vườn của ông Mai Xuân Thao đã mở rộng quy mô và đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ thành lập hợp tác xã, tiến tới xây dựng nhà xưởng sơ chế lá giang xuất khẩu, đây sẽ là cơ hội giải quyết việc làm, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân.

Từ thực tế cho thấy, việc trồng cây Giang ở các tỉnh phía Bắc đã mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương, để cây Giang phát triển và đảm bảo tính bền vững, thì ông Mai Xuân Thao đã và đang tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và phát triển cây Giang theo chuỗi liên kết từ việc ươm giống - trồng - chế biến - xuất khẩu. Huy vọng bằng những chủ trương đúng, dám nghĩ, dám làm sẽ là cơ hội lớn cho người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lang Chánh (Thanh Hóa): Định hướng mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO