Xã hội

Làng bún Vân Cù đổi thay

Văn Dinh - Nhật Toàn - Tấn Hoàng 27/02/2024 - 14:24

(TN&MT) - Làng bún Vân Cù sau Tết Giáp Thìn vẫn còn khoác lên mình một tấm “áo mới” với rực rỡ những gam màu của sắc xuân. Sớm mai, bên những cánh đồng lúa bát ngát, tiếng máy móc, động cơ chạy không ngừng nghỉ, nhiều hộ dân tất bật để cho ra những mẻ bún đầu tiên trong ngày. Từ một làng bún ô nhiễm, hôm nay, Vân Cù đã “lột xác”, phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cố đô Huế có nhiều món ngon với nguyên liệu chính là bún. Và nhắc đến bún, có lẽ đa số người dân Huế đều đã từng nghe nhắc đến “thương hiệu” làng bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Làng nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 10 km về phía Tây Bắc, ven bờ sông Bồ, có bề dày lịch sử hàng trăm năm làm nghề bún. Theo lịch sử ghi chép lại, ban đầu, làng có tên là Đào Cù, chuyên nghề nung gạch. Sau đó, làng bỏ nghề gạch theo nghề bún nên sau này làng có tên gọi là làng bún.

bunvancu-1.jpg
Người dân Vân Cù say sưa với nghề

Ngược dòng thời gian, hồi xưa làng bún Vân Cù đã trải qua không biết bao sóng gió. Giai đoạn khó khăn nhất, toàn xã chỉ có dưới 30 hộ sản xuất bún với quy mô nhỏ lẻ bằng thủ công, vất vả tự sản xuất, tự tiêu thụ ra thị trường, năng suất sản lượng không đáng kể.

Dưới tiết trời nắng nhẹ của tháng Giêng, đi tới cuối làng, chúng tôi gặp được anh Nguyễn Sanh Minh, là một những hộ dân gắn bó với nghề làm bún truyền thống ở đây với trên 12 năm, cũng là hộ gia đình sản xuất bún có quy mô nhất nhì ở Vân Cù. Vẫn như mọi ngày, anh cùng với bà con làm việc cật lực trong xưởng với những giọt mồ hồi trên má. Trung bình, xưởng anh Minh cung cấp cho thị trường 500 – 600 kg bún tươi với mỗi ngày, thu nhập tiền triệu. Cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 4 - 5 người lao động có thêm kinh tế.

“Lúc trước gia đình gặp nhiều khó khăn về tài chính, chúng tôi đã cố gắng bám trụ, học hỏi, áp dụng nhiều phương thức sản xuất bún tươi bằng nhiều loại máy móc khác nhau. Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay sản xuất và quảng bá giới thiệu sản phẩm, gia đình tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất, đến nay đã thu nhập trên trăm triệu mỗi tháng”, anh Minh phấn khởi nói.

bunvancu-2.jpg
Anh Nguyễn Sanh Minh bên trong xưởng bún của mình

Đi ngược lại đầu làng, bất ngờ gặp ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch Hội làng nghề bún Vân Cù, ông liền niềm nở đón tiếp. Nhâm nhi ly trà đá, ông Phú cho hay, các hộ sản xuất bún nay đã mạnh dạn đầu tư máy sản xuất bún tự động, khép kín, làng nghề ngày càng thu hút thêm nhiều hộ tham gia. Hiện tại, làng nghề đã có hơn 110 hộ sử dụng máy làm bún liên hoàn, khép kín với công nghệ tiên tiến, cho năng suất cao, rút ngắn thời gian sản xuất và giảm sức lao động. Mỗi ngày, các lò bún ở đây cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún các loại. Hộ ít thì sản xuất 2-3 tạ, hộ nhiều 5-6 tạ/ngày. Thị trường tiêu thụ khắp tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ vậy, doanh thu năm 2023 của làng nghề đạt trên 110 tỷ đồng.

“Làng hiện có gần 50 % số hộ trực tiếp làm nghề sản xuất bún, nhiều hộ còn lại cũng tham gia vào việc cung cấp nguyên vật liệu, đưa bún ra khắp các huyện thị tiêu thụ, và làng có tới khoảng 15 % hộ đã thoát nghèo nhờ bún”, ông Phú chia sẻ.

bunvancu-3.jpg
Những sợi bún tươi ngon, chất lượng

Trước đây, khâu vệ sinh môi trường không được chú trọng khiến làng bún Vân Cù bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân kể lại, ngày ấy nếu ai đến đầu làng, chắc chắn sẽ ngửi thấy mùi hôi chua của nước gạo, nước bún cứ xộc thẳng vào mũi. Nước thải từ các lò bún chảy lênh láng dọc các tuyến mương hai bên đường, các ao tù nổi màu đen đục, bốc mùi rất khó chịu. Vậy nên, cửa nhà dân lúc nào cũng phải khóa kín mít mà vẫn không ngăn nổi mùi hôi. Số lượng người dân mắc các bệnh về đường hô hấp và da liễu cứ ngày một tăng cao. Dù rất ô nhiễm nhưng vì cuộc sống, vì “miếng cơm manh áo” nên người dân vẫn cố gắng chịu đựng suốt một thời gian dài.

Bằng sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền xã Hương Toàn trong việc khôi phục làng nghề, năm 2012, địa phương được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đầu tư nguồn vốn thực hiện dự án xử lý nước thải vệ sinh môi trường làng nghề. Qua đó, 100 % số hộ được xây dựng bể lắng, lọc trước khi xả thải ra khu vực xử lý. Nhờ thế đã trở thành động lực lớn tạo nên sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ cho làng nghề bún Vân Cù. Ngoài ra, xã Hương Toàn còn tổ chức thu gom các loại rác thải, bào bì nilon phát sinh trong qua trình sản xuất bún. Qua đó, tình hình ô nhiễm mỗi trường tại đây đã được khắc phục một cách tối đa nhất.

bunvancu-4.jpg
Làng bún Vân Cù “lột xác” bởi người dân đã làm tốt khâu bảo vệ môi trường

Nhà ông Nguyễn Xuân N. là một trong những hộ làm bún lâu đời ở làng. Để không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ông đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá gần 5 triệu đồng. Theo thiết kế, mỗi hệ thống xử lý nước thải sẽ gồm 2 bể lọc, một bể có diện tích lớn hơn đề lắng động nước thải có chứa các chất cặn bã, bể còn lại có thể tích nhỏ hơn sẽ chứa nước sau lắng lọc, khi đạt tiêu chuẩn mới được cho ra môi trường.

“Giờ đây làm bún không còn phải vất vả như trước nữa. Gia đình tôi cung cấp ra thị trường trên 300 kg bún tươi mỗi ngày. Cuộc sống gia đình ổn định hơn nhiều, có cái dư dã để lo cho con cái ăn học...”- ông N. bộc bạch.

Năm 2014, làng bún Vân Cù được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là làng nghề truyền thống. Sau khi được công nhận cùng việc thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, tiếng tăm làng nghề được vang xa hơn. Bún Vân Cù thành phẩm ngày ngày được người dân trong làng và các đầu mối thu mua đưa đi giao khắp các chợ, quán ăn, nhà hàng trong tỉnh. Điều khiến cho sợi bún bé nhỏ trở thành niềm tự hào của một làng quê, rồi trở thành một làng nghề truyền thống như Vân Cù ngày nay chính là ở chất lượng của bún Vân Cù đã gắn liền với những món ngon đặc trưng của xứ Huế, trong đó có “bún bò Huế” nổi tiếng; ở sự cần cù, chịu thương chịu khó của bao thế hệ người làng Vân Cù, góp vào một nguyên liệu chính yếu của kho tàng ẩm thực độc đáo xứ Huế.

bunvancu-5.jpg
Đời sống người dân Vân Cù khởi sắc, thu nhập ổn định

Theo UBND xã Hương Toàn, xã đã chọn sản phẩm bún tươi Vân Cù là sản phẩm chủ lực của địa phương theo chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP. Địa phương cũng đang thành lập Tổ liên kết sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, sẽ ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất mở rộng vùng nguyên liệu gắn với hoạt động làng nghề; quy hoạch vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển bền vững của làng nghề, qua đó phát triển kinh tế cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Rời Vân Cù, chúng tôi vẫn cảm nhận được mùi hương thơm ngon còn vương vấn ở từng sợi bún, thấy được sự phấn khởi trên từng gương mặt của bà con, bởi nghề bún đã và đang giúp người dân có thu nhập ổn định. Hi vọng họ sẽ gắn bó mãi mãi và phát triển hơn với nghề, làm giàu bền vững trên chính quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng bún Vân Cù đổi thay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO