Sức khỏe

Lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bằng những mô hình sáng tạo

Thùy Linh 24/10/2023 - 14:48

Thời gian qua, tại các địa phương, nhiều mô hình sáng tạo, giải pháp hay, hữu ích về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được triển khai và nhân rộng; nhiều gương điển hình tiêu biểu đã đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội với những việc làm cụ thể, thiết thực, mang giá trị thực tiễn cao… giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu để chủ động, tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nhiều mô hình an sinh sáng tạo

Một trong những mô hình đem lại hiệu quả cao, thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là mô hình "vườn rau an sinh", "tiết kiệm an sinh" của Bảo hiểm xã hội huyện Thạch Hà (Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh).

Để triển khai mô hình, bảo hiểm xã hội huyện phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thành lập câu lạc bộ, tập hợp những người làm vườn có thu nhập từ nguồn bán rau để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện Thạch Hà tăng 3.597 người so năm 2020, đưa tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện đạt 9,1%, gấp 3,6 lần mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tỷ lệ này đưa Thạch Hà trở thành huyện có số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, với gần 7.000 người tham gia (chiếm 13% tổng số người tham gia toàn tỉnh).

Không chỉ chủ động tham gia, các hội viên còn tích cực tuyên truyền, chia sẻ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để vận động, khuyến khích người thân, bạn bè cùng tham gia. Với hiệu quả đem lại, mô hình "vườn rau an sinh", "tiết kiệm an sinh" được đánh giá là một trong những hình thức đổi mới công tác tuyên truyền, đóng góp tích cực cho công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Trong mô hình hiệu quả đó, năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện Thạch Hà tăng 3.597 người so năm 2020, đưa tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện đạt 9,1%, gấp 3,6 lần mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tỷ lệ này đưa Thạch Hà trở thành huyện có số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, với gần 7.000 người tham gia (chiếm 13% tổng số người tham gia toàn tỉnh).

Tại huyện Châu Thành, Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An triển khai mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình" được người dân tích cực tham gia, hưởng ứng.

Cùng với bảo hiểm xã hội huyện, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… đã phối hợp thành lập các tổ tại các xã và tặng heo đất, phát động mỗi hội viên tiết kiệm tiền chợ ít nhất 10.000 đồng/ngày để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 3.000 đồng/ngày để tham gia bảo hiểm y tế.

bhxh.jpg
Ảnh minh họa

Ðến tháng 5/2023, mô hình này đã được nhân rộng tại tất cả 13 xã, thị trấn với 1.352 thành viên, trong đó 548 thành viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 794 thành viên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Tổng số tiền hội viên tiết kiệm được để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hơn 1 tỷ đồng.

Với việc tổ chức mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình", chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thật sự được lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Qua đó, làm thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để bảo đảm an sinh, ổn định cuộc sống.

Đến ngày 31/5, số người tham gia bảo hiểm y tế của huyện Châu Thành đạt tỷ lệ bao phủ 96,5% số dân toàn huyện; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.958 người, đạt 87,1% chỉ tiêu được giao năm 2023.

"Gương" sáng trong thực hiện an sinh xã hội

Cùng với các mô hình, điển hình tiên tiến, nhiều cá nhân trở thành tấm gương sáng về sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội.

Chị Đinh Thúy Ngà (Bảo hiểm xã hội huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) là một trong những người tâm huyết như thế. Bằng việc thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, năm 2021, chị Ngà đã phát triển được 104 trong số 341 người tham gia mới của toàn huyện (chiếm 30% tổng toàn huyện); năm 2022, phát triển được 126 trong số 475 người tham gia tăng mới (chiếm 26,5% tổng toàn huyện).

Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần và hấp dẫn hơn với người dân, chị Đỗ Thị Bích Hoa (Phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam) đã tham mưu đổi mới tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua nghệ thuật sân khấu dân gian "Bài chòi", một loại hình nghệ thuật dân ca đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mỗi buổi tuyên truyền đã thu hút khoảng từ 300 đến 500 người xem, đặc biệt có buổi thu hút gần 1.000 người. Ðến nay, đã có khoảng hơn 8.000 người được tuyên truyền, hiểu sâu hơn về chính sách bảo hiểm xã hội thông qua hình thức truyền thông mới này, góp phần vào kết quả chung của toàn tỉnh.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã phát triển gần 7.000 người tham gia mới, giúp Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Từ các phong trào thi đua của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhiều mô hình sáng tạo, gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện, nhân rộng, lan tỏa, đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn ngành bảo hiểm xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân…

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, anh Nguyễn Quang Thuận (Phòng Công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình) có hai sáng kiến cấp ngành được đánh giá hiệu quả, áp dụng trong toàn ngành bảo hiểm xã hội. Với các sáng kiến này, đã giúp cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể sử dụng mạng không dây có kết nối internet được trang bị, cấp miễn phí tại các cơ sở y tế để đăng nhập ứng dụng VssID và xuất trình thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng này, từ đó giúp việc đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được nhanh, gọn, tiện lợi.

Đến tháng 5/2023, tỉnh Quảng Bình đã có 100% số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Số lượt tra cứu thành công là 219.443 lượt, đứng thứ tư toàn quốc về tỷ lệ tra cứu thành công.

Với kết quả đó, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai mô hình "Đón tiếp người bệnh đăng ký vào khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc", tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; góp phần ngăn chặn việc trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Có thể thấy, từ các phong trào thi đua của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhiều mô hình sáng tạo, gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện, nhân rộng, lan tỏa, đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn ngành bảo hiểm xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bằng những mô hình sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO