Lần đầu tiên Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE

04/12/2018 15:05

(TN&MT) - Vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt – Úc tại Bạc Liêu đã được chính thức trao giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

H1
Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y trao chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho Tập đoàn Việt – Úc

Tại buổi lễ trao giấy chứng nhận, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: Việt Nam là một trong số ít nước nuôi và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Trước thực trạng ngày càng có nhiều nước trên thế giới đưa ra các rào cản kỹ thuật yêu cầu tôm và các sản phẩm tôm phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc ít nhất là cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE, do đó, việc tổ chức xây dựng các chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh là cần thiết và cấp bách.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Tập đoàn Việt - Úc là doanh nghiệp tiên phong, có định hướng tốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành tôm cả nước. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “để nâng cao giá trị xuất khẩu ngành hàng tôm, chúng ta không còn cách nào khác là sản xuất theo chuỗi công nghệ, đạt tiêu chuẩn 4.0. Muốn xuất khẩu tôm thì chúng ta phải có vùng nuôi an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE”.

H2
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hỗ trợ Tập đoàn Việt – Úc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo chuẩn OIE trên địa bàn các tỉnh nuôi tôm trọng điểm

Để đạt được chứng nhận an toàn dịch bệnh của tổ chức OIE là điều hết sức quan trọng và hoàn toàn không dễ dàng. Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có một đơn vị nào làm được, Tập đoàn Việt – Úc chính là đơn vị tiên phong và là duy nhất đã hội tụ các yếu tố để xây dựng được cơ sở an toàn dịch bệnh. Đây là một quá trình lâu dài và trải qua nhiều công đoạn để đáp ứng được 5 tiêu chuẩn chính yếu, đó là:

(i). Nguồn nhân lực có chuyên môn, kiến thức và được đào tạo, tập huấn về an toàn sinh học do Cục thú y hoặc cơ quan được ủy quyền cấp; đồng thời cần có các chứng chỉ về chẩn đoán xét nghiệm.

(ii). Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công nghệ sản xuất đáp ứng yêu cầu; khu sản xuất giống của Việt Úc có vị trí tách biệt về mặt địa lý với các nguồn có nguy cơ ô nhiễm; hệ thống bể ấp, bể ươm ấu trùng tách biệt, dễ vệ sinh, sát trùng và không có rủi ro lây nhiễm chéo; trang thiết bị, nguồn nước, thức ăn đạt yêu cầu, đặc biệt có hệ thống xử lý nước bảo đảm không còn vi sinh vật, giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào cơ sở

(iii). Việc quản lý thông tin, dữ liệu và tài liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc phải đáp ứng yêu cầu về truy xuất được nguồn gốc tôm. Tại 9 công ty giống và 4 khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn đều được trang bị riêng hệ thống máy chủ lưu trữ tất cả các thông tin như: thức ăn, tôm bố mẹ, tôm giống, tình hình sản xuất, thông tin khách hàng... Đặc biệt, Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị duy nhất ở Việt Nam có thể chủ động nguồn tôm bố mẹ thẻ chân trắng giúp việc truy xuất nguồn gốc được thuận lợi hơn.

(iv). Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh đã được Cục thú y phê duyệt bao gồm các bệnh: 1) Đốm trắng, 2) Đầu vàng, 3) Hội chứng Taura, 4) Vi bào tử trùng và 5) Hoại tử gan tụy cấp; Công ty đã thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các tác nhận gây bệnh ở các khâu sản xuất định kỳ liên tục trong hơn 2 năm nhằm chứng mình không phát hiện bệnh nào trong số 5 loại bệnh nêu trong thời gian thực hiện giám sát.

(v). Phòng xét nghiệm của Việt Úc có năng lực xét nghiệm các bệnh giám sát, đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 và đã được Bộ NN&PTNT đánh giá, chỉ định xét nghiệm bệnh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hiện tại ở Việt Nam có 9 phòng xét nghiệm PCR về bệnh tôm được tổ chức BoA cấp chứng nhận ISO/IEC17025:2005. Tuy nhiên, chỉ có Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu là được công nhận đầy đủ 7 loại bệnh trên tôm với phương pháp xét nghiệm Real time PCR (đây là phương pháp cho độ tin cậy, độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn phương pháp PCR mà 8 phòng thí nghiệm còn lại đang áp dụng).

H3
Lễ thả tôm giống lần đầu tiên theo mô hình “Nhà màng bong bóng” của Tập đoàn Việt – Úc

Từ năm 2015, Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hỗ trợ từ Cục Thú y, Tập đoàn Việt – Úc đã tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của OIE, cũng như yêu cầu của nước nhập khẩu (điển hình là nước Úc, nơi có yêu cầu rất nghiêm ngặt về an toàn sinh học và dịch bệnh). Từ bản kế hoạch tổng thể đã được xây dựng rất cụ thể, với lộ trình rõ ràng, đôn đốc kiểm tra, giám sát thường xuyên và liên tục trong hơn 3 năm, Tập đoàn Việt - Úc đã xây dựng thành công từng hạng mục quan trọng của một cơ sở an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE.

Đây là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt và thành công lớn không chỉ đối với Tập đoàn Việt - Úc mà cả cho ngành sản xuất tôm Việt Nam vì lần đầu tiên và duy nhất hiện nay có một cơ sở đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE. Đây chính là “Chìa Khóa Vàng” để thương hiệu tôm Việt Nam tự tin gia nhập vào bất cứ quốc gia nhập khẩu khó tính nhất trên thế giới.

Cũng tại buổi lễ trao giấy chứng nhận, Tập đoàn Việt – Úc đã tổ chức lễ thả tôm giống lần đầu tiên theo mô hình “Nhà màng bong bóng”, đây là công nghệ nuôi mới từ Israel được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam. Tập đoàn Việt – Úc không ngừng đầu tư các công nghệ mới nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu cho ngành tôm. Một nhà màng có 4 ao nuôi (500m2/ao), mật độ nuôi từ 300 con/m2, dự kiến thu hoạch 12 - 16 tấn/ vụ/ năm. Đây là mô hình tiên tiến giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả nuôi trồng tốt.

Lễ thả tôm giống đầu tiên tại Nhà màng bong bóng của Tập đoàn Việt – Úc dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đông đảo khách hàng nuôi là khởi đầu cho sự đổi mới công nghệ tiên tiến ngành tôm. Đây sẽ là một giải pháp mới, luồn gió mới không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn dành cho bà con nuôi tôm cả nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO