Lâm tặc đang ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ Vĩnh Linh

07/08/2016 00:00

  Hàng chục năm về trước, địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bạt ngàn những cánh rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác bừa...

 

Hàng chục năm về trước, địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bạt ngàn những cánh rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi đã tàn phá hết những cánh rừng này. Tiếp theo đó, suốt hơn chục năm qua, nhiều dự án bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất được triển khai nên rừng đã được hồi sinh. Đáng tiếc là hiện nay, những cánh rừng xanh tốt ở Vĩnh Linh một lần nữa bị tàn phá.

Thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được xem là đại bản doanh của "lâm tặc." Ở đây có nhiều loại xe “đặc chủng” để vận chuyển gỗ như xe Ural, ba cầu, xe công nông cải tiến..., tất cả đều không có biển kiểm soát nhưng lại đậu đỗ công khai ở các nhà dân, trên các nẻo đường.

Hàng ngày, từ cuối giờ chiều đến đêm khuya, các tài xế sau khi nắm được thông tin liền cho xe chạy vào rừng, vận chuyển gỗ từ địa điểm khai thác ra bên ngoài.


Theo một cán bộ Trạm Kiểm lâm Bến Quan, từ ngã ba Đầu Đạn, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh đến các khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn chỉ hơn 10km. Tuyến đường này trước đây do một đơn vị khai thác rừng trên địa bàn huyện mở ra và tồn tại đến bây giờ, thậm chí mặt đường còn rộng hơn gấp nhiều lần so với trước. Sau hơn 2 giờ đồng hồ chạy xe máy sẽ tới được điểm 18 vòng cua, thuộc Bản 4, xã Vĩnh Hà. Từ địa điểm này có trên 15 con đường mòn được hình thành tỏa ra khắp các vùng rừng phòng hộ trên địa bàn xã và của xã lân cận Vĩnh Ô. Tại đây hầu như ngày nào cũng tấp nập xe trâu kéo gỗ. Mỗi tốp thường có 3 người, 6 con trâu và 6 chiếc xe kéo, vận chuyển từng phách gỗ đã được đẽo gọt vuông vắn.

​Những cánh rừng phòng hộ này chủ yếu do Ban quản lý dự án rừng lưu vực sông Bến Hải quản lý bảo vệ từ hàng chục năm qua. Để phần nào xác định rõ diện tích, đối tượng chặt phá rừng ở Vĩnh Linh chúng tôi đã tìm gặp ông Thái Bình Giải, Phó trạm Kiểm lâm Bến Quan thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh. Ông Giải cho biết Trạm quản lý, tuần tra bảo vệ rừng tại địa bàn các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Chấp và thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) với tổng diện tích hơn 25.850ha; trong đó rừng tự nhiên gần 13.730ha, rừng trồng gần 12.125ha.

Với một diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã bắt 23 vụ vận chuyển gỗ trái phép với 120m3 gỗ các loại. Đây là loại gỗ thuộc các nhóm 5,6,7 do người dân ở các xã vùng gò đồi Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn vào rừng khai thác và vận chuyển bằng xe trâu.

Nhưng thời gian gần đây ở địa bàn Vĩnh Ô lại xuất hiện một số vụ vận chuyển gỗ từ Cù Bai về Bản 4 (Vĩnh Ô) qua điểm 18 cua rồi tỏa đi các nơi khác mà lực lượng kiểm lâm đã phát hiện được.

Trước đó, hầu hết gỗ lậu từ Hướng Hóa tuồn về Vĩnh Linh thường đi theo đường qua Bản 2, ngay trước mặt Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Ô nhưng do dạo này các lực lượng bảo vệ chốt chặn nghiêm ngặt nên "lâm tặc" đã chuyển hướng đi theo tuyến đường trên.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án rừng lưu vực sông Bến Hải, thừa nhận thực trạng rừng của đơn vị mới bị chặt phá trong những tháng vừa qua thuộc các tiểu khu 580, 581, 582 và 583 nằm trong diện tích gần 1.200ha rừng phòng hộ (rừng tự nhiên, rừng trồng) trên địa bàn xã Vĩnh Ô.

Tuy nhiên, diện tích và khối lượng bị chặt phá là bao nhiêu thì đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm, thống kê để xác định mức độ thiệt hại. Trong khi đó, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ rừng như toàn lực lượng chỉ có 17 người, chia chốt tại ba trạm, gồm Vĩnh Hà 7 người; Linh Thượng (Gio Linh) 5 người; Tiểu khu 604 (từ mỏ đá Tân Lâm-Cam Lộ) 5 người. Do đó, việc quản lý, tuần tra bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép ngày càng nghiêm trọng, từ ngày 2/8 đến nay, trạm đã phải rút ở mỗi chốt một người đến điểm 18 vòng cua (Bản 4, Vĩnh Ô) để tăng cường ngăn chặn, bắt giữ các vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép.

Nạn chặt phá rừng đã diễn ra suốt nhiều năm qua và trở nên rầm rộ trong những ngày qua nhưng chưa có giải pháp đấu tranh quyết liệt, phải chăng có “khuất tất” hay “lổ hổng” quản lý. Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Hùng, trước đây đơn vị có hợp đồng với người dân địa phương các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà với mỗi xã 10 người để tham gia bảo vệ rừng. Đến năm 2016 do không có kinh phí đơn vị không tiếp tục hợp đồng nên công tác quản lý bảo vệ rừng giao hẳn cho mười mấy cán bộ của đơn vị làm nhiệm vụ quản lý trên 21.000ha rừng thuộc hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Đây là lý do khách quan khiến rừng tự nhiên phòng hộ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh tiếp tục bị chặt phá, khai thác trái phép một cách vô tội vạ.

Đánh giá lại bản chất và mức độ nguy hại của tình trạng chặt phá rừng ở Vĩnh Linh hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho biết: “Sau khi nhận được thông tin từ báo chí về nạn chặt phá rừng rầm rộ ở các xã miền Tây của huyện, chúng tôi đã gấp rút thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để điều tra, xác minh, đồng thời kiểm đếm, xác định diện tích bị thiệt hại. 

Qua báo cáo bước đầu xác nhận tình trạng khai thác rừng bằng xe trâu thuộc diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn khá phổ biến. Riêng các vụ vận chuyển gỗ có đường kính lớn, vận chuyển bằng xe chuyên dụng bị chặn bắt thì không có cơ sở để khẳng định là gỗ rừng ở Vĩnh Linh. Còn đối tượng khai thác gỗ bằng xe trâu là thành phần hỗn hợp. Dân ở các vùng gò đồi của huyện và dân các nơi khác đổ về khai thác nên càng gây ra khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và ngăn chặn nạn chặt phá rừng.”

Dẫu vẫn còn nhiều bất cập trong công tác bảo vệ rừng v ấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cần có sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của các ngành chức năng để sớm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng vô tội vạ ở Vĩnh Linh hiện nay./.

Theo TTXVN 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm tặc đang ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ Vĩnh Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO