Làm rõ việc tuyển công chức tại Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9

28/08/2014 00:00

(TN&MT) - Chiều 28/8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2014.

   
(TN&MT) - Chiều 28/8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên.
   
   
  Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ, ngành.
   
  Tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, ngoài việc xem xét, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm như thông lệ, lần này Chính phủ cũng bàn công việc tháng 9, dự ước cho tháng 9, hướng các tháng còn lại của năm 2014 và kế hoạch năm 2015 để chuẩn bị báo cáo Trung ương và Quốc hội.
   
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp báo
   
  Bức tranh chung về kinh tế-xã hội có những dấu hiệu khả quan. Cụ thể, kinh tế trên đà phục hồi đồng đều, có mặt tăng trưởng cao. Cho đến thời điểm này, GDP tăng 5,54%, cho thấy nếu chúng ta quyết tâm thì cả năm có thể đạt con số đề ra là 5,8%.
   
  Về kiểm soát các mặt kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp, đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại tệ cao. Xuất khẩu đến giờ này duy trì tốc độ tăng trưởng tuy không cao nhưng vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD. Đáng chú ý, từ trước đến nay, xuất khẩu ở khu vực FDI góp phần lớn, nhưng từ cuối năm 2013, khu vực trong nước đã có đóng góp cho xuất khẩu với mức tăng trưởng 11%.
   
  Giải ngân ODA so với cùng kỳ tăng 41%, tức trên 3 tỷ USD, có lẽ là tỷ lệ cao nhất từ trước đến giờ. Hiện đang lo vốn đối ứng cho giải ngân ODA, riêng giao thông cần trên dưới 8 nghìn tỷ nhưng đáp ứng khoảng hơn 20%.
   
  Nhập khẩu có tăng nhưng chủ yếu là máy móc và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu cho tiêu dùng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có sự quản lý chặt chẽ về nhập khẩu.
   
Quang cảnh buổi họp báo
   
  Thống kê đến tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 47.500 và cũng có khoảng 40.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,5% nhưng tín hiệu mừng là số vốn đăng ký, bình quân 1 doanh nghiệp tăng khoảng 6 tỷ, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư tăng nên họ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư lớn, mở rộng sản xuất. Theo các cơ quan nghiên cứu, tại một số nước, trong số doanh nghiệp thành lập mới, sau vài năm thành lập, con số đi vào hoạt động ổn định khoảng 60-65%, tỷ lệ này ở Việt Nam khoảng trên dưới 70%. Đến giờ này, cũng có khoảng 10.000 doanh nghiệp trước đây tuyên bố đóng cửa nay hoạt động trở lại.
   
  Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô dù có quản lý, kiểm soát nhưng tính bền vững chưa thật cao, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng còn thấp... Tổng cầu chưa có chuyển biến khả quan, tình hình trật tự xã hội có mặt chưa làm chúng ta yên tâm.
   
  Từ những đánh giá này, Chính phủ họp đã thống nhất quyết tâm trong 4 tháng còn lại, bằng những giải pháp đồng bộ đã đề ra từ đầu năm, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu, tăng trưởng tín dụng bằng nhiều biện pháp.
   
  Bên cạnh đó cũng tiến hành tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng bằng các giải pháp đồng bộ để góp phần đạt tăng trưởng, dự kiến đạt 12/14 chỉ tiêu vào cuối năm.
   
  Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về quan điểm của Chính phủ xung quanh những “lùm xùm” liên quan đến tuyển dụng công chức tại Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng như hiện tượng một Phó Phòng Quản lý xuất nhập khẩu ở Hải Phòng thuộc Cục quản lý xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bị phát hiện đang nhận tiền lót tay của doanh nghiệp.
   
  Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là trong tháng 9. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo và làm việc với các cơ quan chức năng, tập trung làm rõ những vấn đề có liên quan tới Bộ mình. Chiều 28/8, Bộ Nội vụ cũng công bố một quyết định thanh tra công chức về việc này tại Bộ Công Thương.
   
  Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, quan điểm của Chính phủ cũng như tất cả chúng ta là đối với lĩnh vực cán bộ công chức, tuyển dụng, quản lý, thi cử phải công khai minh bạch, phải đảm bảo không có tiêu cực. Những hiện tượng xuất hiện gần đây ở một số địa phương trong cả nước, theo phân cấp quản lý cán bộ, cấp nào quản lý cán bộ có vấn đề gì xảy ra cấp đó phải có trách nhiệm làm rõ, xử lý nghiêm minh.
   
  Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Khi xảy ra sự việc thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã hết sức kiên quyết. Trước hết là ra quyết định xử lý các cá nhân nguyên là cán bộ hoặc đang là cán bộ của Cục Quản lý thị trường với 4 trường hợp đã bị xử lý. Ban Cán sự Bộ Công Thương ra nghị quyết hủy bỏ kết quả của kỳ thi tuyển công chức và sẽ tiếp tục xử lý nếu có tình tiết mới được phát hiện.
   
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu
   
  Còn về Cục Quản lý cạnh tranh, theo ông Đỗ Thắng Hải, cho đến nay, Bộ Công Thương chưa nhận được bất cứ một lá đơn, phản ánh chính thức của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào. Nhưng qua các phương tiện thông tin báo chí, chỉ sau 2 ngày khi có sự việc, Bộ Công Thương đã cử 1 đoàn kiểm tra xuống trực tiếp kiểm tra tại Cục Quản lý cạnh tranh. Theo kết quả giải trình của ban lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng như kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra, ông Đỗ Thắng Hải cho biết: Chúng tôi đã ra thông báo chính thức. Có 2 việc rất quan trọng mà báo chí nêu. Thứ nhất là có 6 chỉ tiêu nhưng lấy 9 biên chế. Tôi khẳng định là không phải. Lúc đầu có 6, nhưng sau đó thực tế có một cán bộ thôi việc, một nghỉ hưu, 2 cán bộ được cử đi công tác, làm tham tán thương mại ở các nước. Cho nên là Cục Quản lý cạnh tranh đã xin và được Bộ đồng ý bổ sung thêm 3 biên chế trong tổng số biên chế đã được phê duyệt của năm 2013. Tổng số là 9 biên chế. Theo đoàn kiểm tra đánh giá, cuộc thi diễn ra minh bạch, công bằng, và công khai. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã báo cáo Bộ về kết quả và đã được phê duyệt. Và Bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định tuyển dụng 9 cán bộ này vào làm công chức của Cục Quản lý cạnh tranh. Đến giờ phút này chúng tôi khẳng định Cục Quản lý cạnh tranh làm đúng. Hiện nay chúng tôi tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ để tiếp tục làm rõ thêm không những ở Cục Quản lý cạnh tranh mà cả kết quả thi tuyển công chức của một số đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương.
   
  Về clip cán bộ nhận tiền lót tay do VOV cung cấp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ đã ra quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với bà Phạm Mai Hương, Phó phòng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu tại Hải Phòng. Nhưng tạm đình chỉ ở đây không có nghĩa là người ta có vi phạm. Báo chí nêu thì chúng ta tạm đình chỉ để cán bộ tường trình và báo cáo.
   
  Cũng ngay trong chiều 27/8, Bộ Công Thương đã cử một đoàn gồm Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, và Cục Quản lý xuất nhập khẩu xuống làm việc tận nơi, nghe báo cáo giải trình của tất cả các cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu tại Hải Phòng. “Nhưng quan trọng hơn, dựa vào clip, chúng tôi đã tìm ra 2 doanh nghiệp mà trong clip nói là có việc đưa tiền lót tay. Sau đó, chúng tôi đã gặp trực tiếp, lập biên bản xác minh sự việc với 2 doanh nghiệp này. Cả 2 doanh nghiệp đều khẳng định tiền đưa cho chị Hương là phí để trả chứng nhận xuất xứ mà chúng ta gọi là C/O. Ngoài ra không có bất cứ khoản tiền nào khác cả. Như vậy sự việc trong clip đã được xác minh là việc tiền trả giấy chứng nhận xuất xứ chứ không có tiền lót tay nào cả. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và làm một cách tổng thể, không phải chỉ 2 doanh nghiệp này mà sẽ làm lại cả một quá trình, cố gắng tìm ra sự thật một cách khách quan nhất” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
   
  Minh Trang
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ việc tuyển công chức tại Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO