Tại buổi làm việc, Tổng cục Môi trường đã làm rõ các câu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề về tái chế sử dụng, tái chế và quản lý gang xỉ tại FHS; liệu gang xỉ của Formosa có phải chất thải nguy hại không?; các câu hỏi xoay quanh việc Công ty TNHH đầu tư phát triển MHD Việt Nam (Công ty MHD) chuyển giao gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh cho 6 cơ sở tại Thái Nguyên có đúng quy định?…
Ông Hoàng Văn Thức khẳng định, một số thông tin trên các phương tiện đại chúng cho rằng phế liệu gang, xỉ của FHS là chất thải nguy hại là hoàn toàn không đúng. Cho đến nay, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 14 đoàn giám sát liên ngành (thành phần có cả Cảnh sát môi trường) và chỉ định 2 đơn vị lấy mẫu trưng cầu giám định. Kết quả cho thấy, Formosa đang tuân thủ đúng theo quy định, đảm bảo chất thải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam (QCVN).
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền – Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), Khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) quy định, phế liệu “là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”. Do vậy, gang xỉ khử lưu huỳnh của FHS được phân loại, lựa chọn làm nguyên liệu sản xuất gang thép được coi là phế liệu làm nguyên liệu. Gang xỉ khử lưu huỳnh này nếu thải ra ngoài môi trường thì mới được xem là chất thải.
Luật BVMT đã có những quy định về việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải, khuyến khích giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng”. Do đó, các loại chất thải rắn như xỉ hạt lò cao, xỉ thép, tro bay, tro đáy, vật liệu chịu lửa, gang xỉ,... của FHS sẽ ưu tiên tái sử dụng, thu hồi làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất của khu liên hợp hoặc bán cho các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu. Đối với gang xỉ khử lưu huỳnh của FHS (có chứa 71,6% là sắt) được pháp luật khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thép. Trong Sổ chủ nguồn thải CTNH mã số 42.000221.T ngày 07/9/2015 của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cũng không có chất thải nguy hại là gang xỉ nêu trên.
Nhiều thông tin chưa chuẩn xác
Theo đề nghị của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN&MT tỉnh Thái nguyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phế liệu gang xỉ làm nguyên liệu sản xuất của một số đơn vị thu mua để phân tích và đã xác định có độ kiềm (pH) cao. Trong văn bản trao đổi của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên nêu “kết quả phân tích mẫu gang xỉ cho thấy giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại…” chứ không khẳng định gang xỉ là chất thải nguy hại như một số báo nêu (vì gang xỉ là nguyên liệu sản xuất). Tổng cục Môi trường khẳng định: Thông tin chất thải Formosa có nồng độ PH vượt ngưỡng nguy hại là chưa chuẩn xác.
Đối với việc Công ty TNHH đầu tư phát triển MHD Việt Nam (Công ty MHD) chuyển giao gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh cho 6 cơ sở tại Thái Nguyên có đúng quy định không? Ông Hiền khẳng định: Theo quy định điều kiển để Công ty MHD được chuyển giao là phải có đầy đủ phương tiện, thiết bị thu gom; vận chuyển. Quá trình vận chuyển không được làm rơi vãi, phát tán ra môi trường, chỉ được vận chuyển đúng chủng loại là gang xỉ và số lượng đăng ký là 70.000 tấn/năm. Đáng lưu ý là chỉ được chuyển giao cho các cơ sở trực tiếp sử dụng. Cơ sở tiếp nhận thực hiện theo quy định, phải có báo cáo ĐTM, đề án, KHBVMT trong đó nêu rõ có sử dụng gang xỉ làm nguyên liệu. Vì vậy, thông tin Formosa tự thuê đơn vị tư nhân để thu gom gang xỉ mà không có cơ quan nào biết là không đúng.
Hiện Tổng cục Môi trường đã yêu cầu các đơn vị dừng thu gom chuyển giao phế liệu gang, xỉ. Tới đây, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Thái nguyên kiểm tra Công ty MHD và tiếp tục thông tin cho báo chí.
Độ kiềm (PH) trong gang xỉ là lượng vôi dư và hợp chất của canxi
Cũng trong buổi làm việc, PGS - TS. Nguyễn Xuân Lân cho biết, trong luyện kim bụi lò chính là CTNH (bụi lò điện sinh ra từ sản xuất thép phế); bụi lò thổi sang lò luyện gang không phải CTNH. Ông Nguyễn Xuân Lân cùng các nhà khoa học đồng tình với báo cáo về công nghệ sản xuất và công tác quản lý gang xỉ tại FHS của Tổng cục Môi trường. Báo cáo nêu rõ, công nghệ của FHS sản xuất ra các sản phẩm thép chất lượng cao dùng làm cốt công trình, thép ống và ốc vít, nên gang lỏng được sản xuất từ lò cao có hàm lượng lưu huỳnh từ 0,01-0,03%, trước khi đưa vào lò chuyển (BOF) luyện thép được FHS sử dụng vôi cục và vôi bột (CaO) để khử lưu huỳnh xuống dưới 0,005%. Để bảo đảm quá trình khử lưu huỳnh được xử lý hoàn toàn, phải sử dụng lượng vôi dư. Sản phẩm trung gian của quá trình này thu được gang xỉ khử lưu huỳnh sẽ chuyển đến xưởng thu hồi tài nguyên (gồm các công đoạn ổn định hóa và nghiền tách) để thu lại các thành phần có giá trị sử dụng, trong đó có phế liệu gang xỉ (có chứa 71,6% là sắt). Độ kiềm (giá trị pH) trong gang xỉ cao thực chất là lượng vôi dư và hợp chất của Canxi (Ca), lượng vôi dư này còn có tác dụng xử lý khi thải (SOx) nếu gang xỉ này sử dụng trong lò điện hồ quang để sản xuất thép,….
Được biết, hiện nay các nhà máy luyện thép liên hợp từ quặng sắt trên thế giới (như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc), chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu liên hợp gang thép được thu hồi, tái chế, tái tuần hoàn ở các công đoạn sản xuất khác nhau để giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra ngoài môi trường. Theo Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng cũng không quy định chất thải ngành thép thuộc danh mục chất thải nguy hại, tuy nhiên, các quốc gia thành viên tham gia Công ước (trong đó có Việt Nam) có quyền quy định cụ thể danh mục chất thải nguy hại và quy chuẩn áp dụng để xác định một số loại chất thải có phải là nguy hại hay không trong trường hợp thải ra môi trường. Tại các nước phát triển trên thế giới, chất thải ngành thép đang được sử dụng trực tiếp hoặc được sơ chế, xử lý sơ bộ trước khi dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành sản xuất vật liệu xây dựng.