Tài nguyên

Làm rõ thông tin khai thác vàng trái phép tại miền núi Thừa Thiên – Huế

Văn Dinh 06/07/2023 - 14:34

(TN&MT) - Người dân sinh sống dọc sông Đakrông (Quảng Trị) thời gian qua phản ánh rằng bị ảnh hưởng do nguồn nước từ đầu nguồn chảy về làm đổi màu, gây ô nhiễm. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do khai thác vàng trái phép ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế cùng các sở ngành tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra để làm rõ sự việc.

Sông Đakrông đi qua 11 xã, thị trấn của huyện Đakrông, hầu hết người dân sử dụng nguồn nước sông này cho sinh hoạt. Nước đầu nguồn sông chảy từ xã Hồng Thủy của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) về.

Tại xã A Bung có 9 thôn (hơn 3.800 hộ dân) thì có tới 8 thôn có người dân sinh sống dọc sông Đakrông. Người dân A Bung cho hay, từ năm 2019 đến nay, nguồn nước đục ở khe Li Leng (xã Hồng Thủy) đổ thẳng về sông Đakrông khiến dòng nước đổi màu bất thường, không sử dụng được.

1(3).jpg
Nước sông Đăkrông đổi màu

“Chúng tôi ở đây 30 năm, uống và tắm nước suối này vẫn sống khỏe mạnh; nhưng giờ thì khổ lắm, vì nước lúc nào cũng đỏ lòm. Phải mua thùng chứa, rồi hứng nước mưa uống. Hết nước mưa thì phải cắn răng mà uống nước suối bị ô nhiễm, vì không còn cách nào khác”, bà Phạm Thị Thời (SN 1946, ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung) chia sẻ với báo chí.

Người dân cho rằng, việc nước sông Đakrông đổi màu là do khai thác vàng trái phép ở đầu nguồn nước. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế tiếp tục kiểm tra, ngăn chặn dứt điểm nguồn thải từ việc khai thác khoáng sản trái phép để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của người dân sống ven sông Đakrông.

Trước sự việc kể trên, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng đại diện các đơn vị liên quan ở 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị đã đi kiểm tra thực tế khu vực khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Hồng Thủy và Hồng Vân (huyện A Lưới).

2(3).jpg
Đoàn kiểm tra của 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị khảo sát thực tế

Theo báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế, trước đây, khu vực này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khoáng sản (vàng) cho Công ty CP Đông Trường Sơn. Sau khi kết thúc thời hạn thăm dò (ngày 10/5/2017) Công ty di dời toàn bộ máy móc, thiết bị và đi khỏi địa phương nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương được biết. Do khu vực nằm ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong công tác quản lý nên một số người dân (người dân tộc Pakô) của xã Hồng Thủy và xã Hồng Vân, huyện A Lưới tiến hành khai thác khoáng sản vàng trái phép.

Tuy nhiên, tại thời điểm đoàn công tác đến hiện trường thì không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Khu vực khai thác có một số hầm, hố đào lấy đất đá; có mương dân dùng để khai thác bằng phương pháp bơm áp lực cao tạo thành từ khu vực khai thác về khe suối, có môt ṣố máng gỗ bị hỏng và lán trại đã bị ̣phá hủy. Khu vực khai thác có dấu hiêu sạt trượt đất, độ dốc lớn. Trước đó, các đoàn kiểm tra do địa phương thực hiện cũng đã tháo dỡ, phá hủy các lán trại, mương dẫn, một số hầm, hố phục vụ khai thác.

3(1).jpg
Hiện trường không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà chỉ còn những dấu vết khai thác đã cũ

Sau khi kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định, thời gian gần đây không có chuyện người dân khai thác vàng trái phép, những dấu vết khai thác quá cũ, thậm chí một số điểm cây cối đã mọc xanh tươi.

Liên quan đến việc nước từ khu vực khai thác vàng trái phép trước đây chảy vào khe A Pey B và khe Bung sau đó chảy vào khe Li Leng ra sông Đakrông về các xã A Ngo, A Bung, Tà Rụt thuộc huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) xuất hiện màu đỏ đục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhận định, nguyên nhân đục nguồn nước có thể do mưa lớn làm sạt lở đất, phá vỡ kết cấu đất đầu nguồn do quá trình làm đường khai thác rừng, kết hợp các khu vực khai thác vàng đất đã bị bóc thực bì nên không giữ đươc̣ đất, dẫn đến cuốn xuống các khe suối gây vẩn đục nguồn nước.

Trao đổi với lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị ngay tại khu vực kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, dẫu địa hình hình khu vực này hiểm trở, song địa phương luôn giám sát chặt chẽ các hoạt động nơi đây, đặc biệt là khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có văn bản cụ thể gửi tỉnh Quảng Trị nhằm làm rõ nguyên nhân nước sông Đakrông thuộc xã A Bung xuất hiện vẫn đục.

4(2).jpg
Hai tỉnh sẽ làm rõ nguyên nhân nước sông Đakrông đục màu, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị ghi nhận những nội dung sau khi cùng đi kiểm tra thực địa tại hiện trường. Theo đó, tại đây không xuất hiện hoạt động khai thác vàng trái phép, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị sẽ có báo cáo chi tiết cho UBND tỉnh Quảng Trị xung quanh chuyến kiểm tra thực địa này, đồng thời sẽ thường xuyên nắm thông tin, chia sẻ thông tin với phía Thừa Thiên - Huế khi xuất hiện các vấn đề liên quan.

Ông Phan Quý Phương cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép; thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở TN&MT tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm thông tin, kịp thời phối hợp kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các vi phạm hoạt động khoáng sản; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ thông tin khai thác vàng trái phép tại miền núi Thừa Thiên – Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO