Làm giàu từ trồng thanh long ruột đỏ

08/07/2015 00:00

(TN&MT) - Bắt đầu chỉ là ý tưởng nhưng với quyết tâm thực hiện nó, ông Nguyễn Đức Hoàng (thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, Gia Lai) đã thành công khi biến 3 ha...

 

(TN&MT) - Bắt đầu chỉ là ý tưởng nhưng với quyết tâm thực hiện nó, ông Nguyễn Đức Hoàng (thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, Gia Lai) đã thành công khi biến 3 ha đất trống cằn cỗi, bạc màu thành vườn thanh long ruột đỏ năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế đáng học hỏi cho nhiều người dân tỉnh Gia Lai.

Vốn là người con của vùng đất Phan Thiết (Bình Thuận), năm 2000, ông Nguyễn Đức Hoàng đưa vợ con lên Gia Lai lập nghiệp. Ban đầu kinh tế còn khó khăn, ông chỉ mua được 3 ha đất bãi hoang, thửa đất mà chủ trước của nó phải “chào thua” vì chẳng trồng trọt được gì trên miếng đất quá cằn cỗi. “Lúc ấy nhiều người khuyên can tôi không nên mua mảnh đất này vì nó quá bạc màu, trong khi Gia Lai là xứ sở đất đỏ bazan. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi thấy loại đất pha cát này rất phù hợp để trồng thanh long quê tôi, nên đã quyết tâm cùng vợ con san bằng khu đất, chôn trụ trồng 500 gốc thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ”, ông Hoàng kể lại.

Sau 1 năm, thanh long bắt đầu cho thu hoạch, trái to, chĩu chịt và ngọt lừ khiến nhiều hàng xóm phải trầm trồ. Hiện nay, trung bình mỗi trụ thanh long cho thu hoạch từ 50-70kg quả/năm. Những trụ trên 3 năm tuổi cho thu đến 1 tạ quả/năm. “Vườn có bao nhiêu thương lái tới tận nhà thu mua bấy nhiêu. Ngày thường giá rẻ, họ thu mua có 20-30 ngàn đồng/kg. Dịp lễ, tết có khi lên đến 40-50 ngàn đồng/kg lận. Nếu tìm được thị trường đầu ra ổn định thì tính về hiệu quả kinh tế, khó có cây trồng nào qua thanh long”, chị Thái Thị Thanh Nga - vợ anh Hoàng phấn khởi khoe.

Tính trung bình, từ 500 gốc thanh long, mỗi năm gia đình anh chị thu về 700-800 triệu đồng. Trong khi chi phí trồng thanh long rất thấp, không tốn kém như các loại cây trồng khác bởi thanh long là loại cây ăn trái khá thuần và dễ chăm sóc, khí hậu Tây Nguyên cũng rất thuận lợi cho thanh long phát triển. Đặc biệt, thanh long rất ưa phân hữu cơ, dùng phân hữu cơ sẽ cho cây khỏe, ít sâu bệnh và chất lượng trái đậm đà hơn. Vì vậy, ông Hoàng đã đầu tư nuôi thêm 7 con bò lai vừa để bán lấy thịt, vừa có lượng phân bón cho vườn thanh long.

“Thanh long ruột đỏ có hàm lượng vitamin cao hơn hẳn thanh long ruột trắng, loại này cũng được khách hàng ưa thích hơn nhờ mềm và vị ngọt đậm đà hơn. Vợ chồng tôi cũng đã nghiên cứu và ép cho thanh long ra lệch vụ để bán được giá cao hơn nhờ bón thêm lân, thắp bóng điện kích thích cây trổ hoa, đậu trái… Nhờ vậy nên hiệu quả đem lại từ vườn cây này ngày càng được nâng cao”, ông Hoàng cho biết. Ngoài ra, vợ chồng ông đã cải tạo một phần diện tích để trồng lúa và luân phiên các loại hoa màu như: ngô, bí đỏ… để tăng thêm thu nhập. “Rơm thu được sau mỗi mùa gặt sẽ là nguồn thức ăn dự trữ quý báu cho đàn bò. Kể cả thân cây thanh long già cỗi hay cành chồi cắt bỏ bò cũng rất thích. Nuôi trồng như vậy tạo thành vòng khép kín và tiết kiệm công sức, tiền của cho nhà nông rất nhiều”, ông Hoàng chia sẻ.

Với ý chí, sự cần cù, chịu khó, chịu khổ vợ chồng ông Hoàng đã biến đất cằn nở hoa bằng những trái thanh long mập căng, mềm và ngọt mát. Niềm vui của vợ chồng ông hiện rõ qua thành quả đã đạt được. Biết đâu, từ thành công của mô hình trồng thanh long của vợ chồng ông Hoàng, sẽ là một lựa chọn cho những nông dân trên hành trình làm giàu.

Bài & ảnh: Quế Mai

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ trồng thanh long ruột đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO