Ít ai biết rằng, để có được bản tin dự báo thời tiết ngắn ngủi chừng ấy thôi, những quan trắc viên, dự báo viên Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ (đóng tại Nha Trang, Khánh Hòa) đã miệt mài lao động, không quản nắng mưa. Chiều xa, hoang hoải, hoàng hôn ối đỏ, gặp tôi, anh Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Dự báo Đài KTTV Nam Trung Bộ mở đầu câu chuyện thật nhẹ nhàng: “Nghề dự báo thời tiết này vất vả, gian nan lắm nhà báo ơi. Nếu ai không có bản lĩnh, tâm huyết thì khó có thể bám trụ với nghề”.
Công việc của những quan trắc viên, dự báo viên ở Đài hằng ngày là thực hiện nhiệm vụ đo đạc quan trắc, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn trong phạm vi các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận. Thu thập, khai thác số liệu, dự tính, dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết, tổng hợp số liệu của 29 trạm khí tượng - thủy văn - hải văn cơ bản, 168 trạm tự động (khí tượng, thủy văn, hải văn, đo gió, mưa); 3 trạm định vị sét, 2 trạm ra đa thời tiết, để kịp thời phát bản tin thời tiết.
“Họ phải thay phiên nhau trực, phân bổ công việc một cách khoa học, hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa đảm bảo sức khỏe. Nghe thì đơn giản vậy thôi nhưng cũng rất gian nan, vất vả. Một quy trình khép kín của những dự báo viên bất kể thời gian, có khi nửa đêm, có khi gần sáng và có khi cả trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt khi có thiên tai bão, lũ xảy ra, các dự báo viên phải thức trắng đêm để ra các bản tin phục vụ công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai” - anh Hưng nhẹ nhàng nói.
Sự vất vả còn tăng thêm đối với các dự báo viên là nữ, có con nhỏ, thay vì được ở nhà chăm sóc giấc ngủ của con thì các chị phải lên cơ quan trực ra các bản tin dự báo thời tiết theo đúng thời gian và tiến độ. Vượt qua những khó khăn đó, chị em đã lựa chọn là yêu nghề như yêu chính bản thân và gia đình mình vậy.
Với những đặc thù riêng của ngành khí tượng thủy văn, ngoài các trạm thủy văn đặt ở thượng nguồn các lưu vực sông, còn có các trạm khí tượng được đặt ở miền núi, hải đảo, đây là những nơi đi lại khó khăn, điều kiện thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là các trạm đảo như: trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây, trạm Khí tượng Hải văn Phú Quý… Dù vậy, những người làm công tác đo thời tiết của Đài KTTV Nam Trung Bộ vẫn thường xuyên bám trụ, cập nhật kịp thời các thông số đo mưa, đo gió vào các múi giờ quy định.
Công việc dự báo thời tiết khó khăn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra với tính chất “dị thường hơn, cực đoan hơn”. Bởi vậy, những vất vả với người làm công tác KTTV càng tăng lên gấp bội. Thế nhưng, bằng sự cố gắng, nỗ lực của các dự báo viên, họ đã cố gắng ra được những bản tin dự báo đầy đủ, kịp thời… Sự mệt mỏi, chịu đựng của anh chị em dự báo viên Đài KTTV Nam Trung Bộ tan biến khi những thông tin dự báo kịp thời giúp chính quyền và người dân giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Do tính chất công việc cần sự chính xác cao nên dù thời tiết có khắc nghiệt, những cán bộ của Đài KTTV Nam Trung Bộ nói riêng và của ngành khí tượng thủy văn nói chung vẫn luôn đảm bảo các kíp trực để theo dõi, ghi lại và truyền tải đầy đủ dữ liệu độ ẩm, mưa, gió, nhiệt độ... Việc dự báo càng khó khăn hơn khi vào mùa mưa, con số phải cập nhật liên tục. Nếu để xảy ra một sơ suất dù là rất nhỏ trong dự báo, không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế mà còn gây thiệt hại đến tính mạng con người.
Với khối lượng công việc khổng lồ, hằng ngày phải đo độ gió, độ ẩm không khí, lượng bốc hơi, số giờ nắng, cập nhật thường xuyên về Đài, những ngày thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều anh chị em không có thời gian chợp mắt. Ví như năm 2021, là năm có thời tiết thủy văn diễn biến phức tạp, trong đó đợt mưa lũ lớn xảy ra hầu hết ở nơi trong khu vực, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn xảy ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 khi mực nước lũ trên các sông vượt mức báo động 3, có sông xấp xỉ mực nước lũ lịch sử như ở sông Ba tỉnh Phú Yên. Đây có thể là đợt mưa lũ lớn trong vòng 20 năm trở lại đây.
“Thời điểm đó, trên lưu vực sông Ba tại trạm Củng Sơn, Phú Lâm, nước lũ lên rất nhanh, hạ lưu thành phố Tuy Hòa bị ngập lụt diện rộng, việc dự báo trị số mực nước lũ tại 2 trạm Củng Sơn, Phú Lâm là rất quan trọng, dự báo chính xác đỉnh lũ và thời gian xuất hiện, sẽ giúp địa phương có những kế hoạch ứng phó hiệu quả với tình trạng ngập lụt giảm thiểu thiệt hại của ngập lụt. Trong tình huống mưa đang lớn, mực nước lũ đang lên nhanh với biên độ lớn, việc dự báo sớm đỉnh lũ (so với mốc lịch sử), thời gian xuất hiện là một trong những thời điểm khó khăn đối với nghề dự báo viên, kể cả những dự báo viên có kinh nghiệm.
Qua sự phối hợp trao đổi trong hệ thống dự báo Quốc gia, sự cập nhật diễn biến kịp thời của dự báo viên, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ đã chỉ đạo Đài KTTV tỉnh Phú Yên ra bản tin lũ khẩn cấp với quyết định trị số dự báo đỉnh lũ ở mức xấp xỉ lũ lịch sử năm 2009 để Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên kịp thời điều chỉnh kế hoạch ứng phó, điều tiết các hồ chứa để tránh ngập lụt ở hạ lưu cũng như sơ tán dân ở những vùng xung yếu kịp thời” - anh Hưng nhớ lại.
Nghề dự báo thời tiết đã gian nan rồi, dự báo bão, lũ còn nhọc nhằn gấp bội. Những đợt ảnh hưởng kết hợp của bão, lũ có thể kéo dài cả tháng trời như năm 2016. Mưa lớn gây lũ và ngập lụt diện rộng, nhấn chìm hàng ngàn héc ta hoa màu, công trình, nhà cửa... Chính vì vậy, nơi đây là nỗi khiếp sợ với bao người. Nhưng, các anh, các chị ở Đài KTTV Nam Trung Bộ vẫn vững vàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tinh thần ấy, kết quả ấy là minh chứng làm chủ khát vọng dự báo của đội ngũ cán bộ, quan trắc viên, dự báo viên Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ.