Lai Châu: Thảm họa thiên tai, nguy cơ gia tăng đói nghèo

10/06/2016 00:00

(TN&MT) - Các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá nghiêm trọng tài sản người dân và ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình, là nguy cơ gia tăng đói nghèo khi Lai Châu đang vào mùa mưa lũ.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lai Châu, trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt giông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở làm 11 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính 130 tỷ đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, vùng núi cao Sìn Hồ và một số nơi xuất hiện băng giá, sương muối ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất nông nghiệp, tài sản của Nhân dân và các công trình cơ sở hạ tầng.

Có mặt tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, chứng kiến cảnh người dân phải xót xa chặt diện tích thảo quả không còn khả năng phục hồi mới thấy tác hại ghê gớm của đợt băng tuyết cuối tháng 1/2016. Theo người dân địa phương, để thảo quả cho thu hoạch phải mất từ 3-4 năm trồng và chăm bón, mùa đông những năm trước thì đều rét và cây khô lá nhưng lại phục hồi được ngay sau đó. Song đợt băng tuyết cuối tháng 1/2016, băng đã bó quanh thân cây và củ, đến nay thì gần như toàn bộ diện tích thảo quả của bản đều trong tình trạng thối củ, gẫy thân và khô lá, hoàn toàn không có khả năng phục hồi.

Mưa lớn kèm gió lốc làm bay mái nhà dân
Mưa lớn kèm gió lốc làm bay mái nhà dân

Chị Vàng Thị Na, bản Chu Va cho biết: “Gia đình tôi có 8ha diện tích thảo quả, năm ngoái cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ năm. Để phát triển được diện tích thảo quả đó, gia đình phải vay mượn gần 100 triệu ngân hàng. Giờ toàn bộ diện tích thảo quả chết không có khả năng phục hồi, gia đình tôi không biết phải xoay sở như thế nào với khoản nợ của ngân hàng và lo cho các con ăn học”.

Bản Chu Va 12 có 94 hộ đồng bào dân tộc H Mông thì có đến 90% số hộ tham gia trồng và phát triển cây thảo quả. Cây thảo quả cũng là cây mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình. Nhưng giờ đây toàn bộ diện tích trồng thảo quả của bản Chu Va 12 khoảng 100 ha đều trong tình trạng thối củ, không thể phục hồi, người dân trong bản ai nấy đều lo lắng cho sinh kế gia đình mình.

Đến đầu tháng 4/2016, mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm 3 người chết, hơn 1000 ngôi nhà bị tốc mái chủ yếu ở các huyện Tam Đường, Mường Tè, Phong Thổ, 50 ha rau màu bị dập nát.

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày trận mưa lớn kèm sét làm con trai anh Tẩn A Sử bản Thác Tình, thị trấn Tam Đường, huyện tam Đường bị thương và làm chết 7 con trâu, lợn nhưng đến giờ anh vẫn chưa hết bàng hoàng vì thương con và tiếc của. Để có được số gia súc đó, gia đình anh Tẩn A Sử đã phải vay mượn ngân hàng 40 triệu đồng để mua con giống, thức ăn chăn nuôi gây dựng đàn gia súc. Trong phút chốc, toàn bộ số gia súc bị sét đánh chết khiến gia đình anh “trắng tay”. Giờ đây tiền vay ngân hàng không những không trả được mà kế sinh nhai của gia đình cũng đang gặp khó khăn. Vòng luẩn quẩn đói nghèo vẫn chưa dứt khỏi gia đình anh.

Ông Vũ Xuân Tính, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu cho biết: “Ngay từ đầu mùa mưa, tỉnh Lai Châu đã ban hành Công điện để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn, gió lốc. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành công điện số 12 ngày 24/5 để chủ động ứng phó với các tình huống mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, các đơn vị, địa phương tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ mà có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Khi địa phương nào xảy ra thiệt hại về người, tài sản do thiên tai thì Ban PCTT&TKCN tỉnh, huyện đều phối hợp với các xã đến hỗ trợ, động viên, chia sẻ, huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”.

Mặc dù Lai Châu chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ đói nghèo gia tăng do biến đổi khí hậu nhưng sau mỗi hiện tượng thiên tai tiêu cực như đợt mưa lớn, gió lốc đi qua để lại hậu quả nặng nề, ước tính giá trị thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Hiện đang là thời điểm bắt đầu mùa mưa nên công tác phòng chống thiên tai thời gian tới sẽ trở lên khó khăn và phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nâng cao tính chủ động để giảm thiểu mức thiệt hại do thiên tai gây ra.

Minh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Thảm họa thiên tai, nguy cơ gia tăng đói nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO