Lai Châu: Dân thấp thỏm, sống trong “vùng sạt lở"!
(TN&MT) - Các vết nứt chằng chịt xuất hiện tại khu vực bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đất tự sạt lở, đánh thành các hố ngầm cát tơ, sụt cả dưới trục đường bê tông giữa bản. 9 hộ dân đã được yêu cầu đi “lánh nạn”, xã cắt cử lực lượng canh, đề phòng người dân về lại. Người dân trong bản thấp thỏm, không biết bao giờ mới có chốn an sinh. Còn huyện Phong Thổ vẫn “loay hoay” tìm chốn định cư cho người dân.
Bao giờ mới được an cư ?
Trao đổi với PV Báo TN&MT, Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Thời tiết năm nay thật khắc nghiệt, mưa là lở, là nứt đất. Giờ thì chúng tôi cũng chả biết làm sao nữa, tất cả chỉ biết trông chờ vào “trời đất”.
Cũng theo anh Chỉnh, những ngày đầu tháng 9/2024, trời liên tục đổ mưa, có ngày mưa rất to. Đến ngày 12/9, anh cùng một số người dân trong bản đã lên khu vực đồi cao, sau bản để kiểm tra. Một người trong đoàn phát hiện ra nhiều chỗ đứt và sụt xuống tạo thành một cái hố lớn. Thấy vậy, anh đã thông báo lên UBND xã. Anh cũng cảnh báo bà con đề phòng trước tình trạng sạt lở, sụt lún đất. Để đảm bảo an toàn, anh nhắc nhở bà con trong bản đề cao cảnh giác. Đối với những hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp thì nên khẩn trương di chuyển.
Đến tối ngày 12/9, UBND xã và các lực lượng của xã, bản đã đến hỗ trợ 9/19 hộ gia đình có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất di chuyển đến nơi an toàn. Còn các hộ khác nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở, nếu ngày nắng thì ở, còn ngày mưa phải di chuyển ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn.
Được biết, trước nguy cơ sạt lở lớn ở bản Sin Suối Hồ, lực lượng chức năng đã lập đoàn kiểm tra thực tế tại đây. Sau đó, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Thông báo số 98/TB-UBND ngày 13/9/2024 về kết quả kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở tại bản Sin Suối Hồ cho thấy, đã xuất hiện tình trạng sụt lún và sạt lở với chiều dài vết nứt khoảng 210m.
Trong đó, có 1 điểm vết nứt dài khoảng 20-30m, độ sụt lún chênh lệch khoảng 25-30cm, kèm theo hố cát tơ, ngoài ra xuất hiện các vết nứt nhỏ trên hệ thống đường bê tông nội bản.
Diện tích bề mặt sụt lún khoảng 8.000m2, trong đó khu vực có điểm vết nứt và sụt lún lớn nhất có diện tích khoảng 2.000 - 3.000m2 (hiện là cây rừng và nhân dân trồng hoa địa lan); khu vực vết nứt cách khe nước về phía bản khoảng 50-80m, cách bản khoảng 100m, có nguy cơ ảnh hưởng đến 19 hộ trong bản.
Qua đánh giá ban đầu, khu vực sạt lở có địa hình dốc, có khe tụ thủy và nước ngầm; địa chất dạng đất đá bồi tụ phía trên là dãy núi cao, có nguy cơ sạt lở, sụt lún khi mưa lớn kéo dài. Và ngay trong ngày 13/9/2024, UBND tỉnh Lai Châu cũng ban hành Quyết định số 1296/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực bản Sin Suối Hồ nhằm ngăn chặn thảm họa.
Vẫn đang tìm vị trí định cư mới cho dân
Mặc dù đã gần 1 tháng, kể từ ngày có tình trạng lở, nứt đất ở Bản Sin Suối Hồ, nhưng cho đến nay, chính quyền địa phương huyện Phong Thổ vẫn chưa “chốt” được điểm tái định cư mới cho dân. Và người dân vẫn phải đi ở nhờ nhà người thân.
Trao đổi với phóng viên, ông Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: Hiện tại, xã vẫn chờ quyết định của cấp trên. Nhưng đến giờ, vẫn chưa có vị trí nào thích hợp để chuyển 9 hộ dân ở “vùng nứt” đi. "Hàng ngày, lãnh đạo xã Sin Suối Hồ vẫn phải cử lực lượng Công an xã, Tổ xung kích phòng, chống thiên tai xã phối hợp với Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ tổ chức trực ban 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và cùng với nhân dân trong bản thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vết nứt, điểm sụt lún, kịp thời thông tin đến người dân để phòng, chống, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra", ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hòa, hiện tại - tạm thời người dân không ở nhà của mình mà ở nhờ tại các hộ dân dân khác trong bản hoặc người thân.
Anh Vàng A Dềnh - một trong 19 hộ được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở chia sẻ: Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong bản đã sinh ra, lớn lên ở đây từ rất lâu qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền, công sức để xây dựng bản trở thành bản du lịch cộng đồng như hôm nay nên mong muốn huyện, xã có hỗ trợ phù hợp để chúng tôi có thể được chuyển đến địa điểm gần bản; yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chứ thú thật, bà con không muốn di chuyển xa nơi này.
Ông Trịnh Văn Đoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ trong các buổi tiếp xúc với các hộ dân thì cho biết: “Huyện luôn đặt quyền lợi, lợi ích, sự an toàn của người dân lên hàng đầu, do đó ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND huyện đã xây dựng dự kiến 2 phương án xử lý khắc phục nguy cơ sạt lở.
Phương án 1, dự kiến thực hiện di chuyển 19 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở bằng hình thức xen ghép tại khu vực nội bản Sin Suối Hồ (các hộ chủ động đất và mặt bằng, nhà nước hỗ trợ kinh phí di chuyển theo quy định hiện hành) và các hộ dân vẫn canh tác, sản xuất nông nghiệp tại vị trí cũ.
Phương án 2, dự kiến di chuyển 19 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến khu vực di dân tại bản Căn Câu và các hộ dân vẫn canh tác, sản xuất nông nghiệp tại vị trí cũ (di chuyển tập trung Nhà nước hỗ trợ mặt bằng và kinh phí di chuyển, hiện tại điểm di dân tại bản Căn Câu đã có sẵn mặt bằng đang hoàn thiện thi công các hạng mục giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt và các công trình hạ tầng khác).
Tuy nhiên trên cơ sở kiến nghị của các hộ dân và để có phương án phù hợp, các hộ dân có thể tự tìm đất sau đó báo cáo với xã, các cơ quan chức năng tới kiểm tra thực tế nếu đảm bảo các yêu cầu sẽ hỗ trợ làm thủ tục theo quy định với tinh thần khẩn trương, kịp thời nhất.
Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, các cấp chính quyền của tỉnh Lai Châu vẫn đang triển khai nhiều biện pháp để xử lý, khắc phục vùng nguy cơ sạt lở tại bản Sin Suối Hồ, nhưng đó chỉ là những biện pháp tạm thời trước diễn biến khó lường của thời tiết có thể gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bất cứ lúc nào.
Còn mong mỏi an cư, vẫn là điều mong muốn nhất của các hộ dân vùng núi cao thì chắc vẫn phải chờ và đợi…