Lạc Sơn (Hòa Bình): Đập hồ thủy lợi rò rỉ, nguy cơ mất an toàn

20/05/2018 18:35

(TN&MT) - Đã nhiều năm nay, tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn có một câu chuyện “thật như đùa” đó là hàng chục ha đất nông nghiệp bị khô hạn nứt nẻ ngay sát cạnh công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng kiên cố. Đập Đăng - hồ thủy lợi xã Tân Lập bị rò rỉ từ năm 2002 đến nay làm giảm năng lực tưới tiêu. Hồ nước bị rò rỉ, thấm nước qua đập, mùa mưa bão đang đến càng khiến người dân lo lắng về nguy cơ mất an toàn hồ đập, đe dọa cuộc sống dân sinh.  

Dưới chân đập hồ, ruộng vẫn… khát?
 

Trên cánh đồng Cạn xóm Chiềng 2, đúng như tên gọi “đồng Cạn” ruộng ngô, ruộng lúa khô nứt nẻ. Anh Bùi Văn Nhân đang cặm cụi dùng xẻng khơi thông dòng chảy đưa nước vào ruộng. Vừa làm anh vừa phân trần, những giọt nước này rất quý, chỉ có mưa mới có nên anh tranh thủ dẫn được ít nào hay ít đó kẻo 3.000 m2 ruộng công không, bởi lúa đang bước vào “thì con gái”, rất cần nước. Đưa tay quệt mồ hôi, anh Nhân không nén được tiếng thở dài: Cứ hạn thế này thì nguy cơ thiếu đói là không tránh khỏi.

a
Huyện Tân Lạc (Hòa Bình): Đập hồ thủy lợi rò rỉ, nguy cơ mất an toàn.

Ngay cạnh đó, chị Bùi Thị Nhích đang nhổ cỏ cho ruộng ngô bởi 300 m2 ngô như “nắng hạn gặp mưa rào” đã dần xanh tốt trở lại. Chị cho biết, cách đây mấy hôm, trời nắng nóng, từng cây ngô của chị còi cọc, chuyển mầu vàng úa vì thiếu nước, may mà có trận mưa nên đến giờ đang hồi phục. Đồng Cạn có diện tích khoảng 7 ha là những mảnh ruộng của các hộ dân ở các xóm Chiềng 1, Chiềng 2, Chiềng 3. Hàng năm, vào vụ cấy lúa xuân, anh Nhân và các hộ dân trong xóm phải bơm nước từ đồi xóm Trại xuống cách đó khoảng 2 km. Một số hộ thì chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu nhưng cũng tiêu tốn không ít công sức và chi phí đầu vào do phải chạy máy bơm nên không có lãi.

b
Cánh đồng Cạn, xóm Chiềng 2, xã Tân Lập, Lạc Sơn khô hạn nứt nẻ vì thiếu nước tưới.


Cách đó không xa, cánh đồng Rộc cũng phải chịu chung số phận, hơn 1 ha lúa đều bị nứt nẻ khi trời nắng nóng. Chỉ tay về cánh đồng, ông Bùi Văn Tiền, trưởng xóm Chiềng 2 cho biết: Chưa năm nào hạn nặng như năm nay. Xóm có 88 hộ thì đến 24 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo, hiện thu nhập bình quân của xóm đạt 18 triệu đồng/người/năm. Diện tích nông nghiệp cả xóm là 64 ha trong đó canh tác 2 vụ lúa 56 ha. Cả xã có khoảng 10 ha bị hạn tập trung ở đồng Cạn và đồng Rộc. Sản xuất nông nghiệp của xóm như đánh bạc với trời, tất cả đều trông chờ vào tự nhiên. Bởi sản xuất nông nghiệp của xóm phụ thuộc vào đập Đăng ở xóm Lâu cách đó khoảng 2,5 km nhưng nhiều năm nay công trình bị xuống cấp, tuyến mương của xóm chưa được kiên cố, hiện vẫn là mương đất nên nước chảy từ đập ra bị rò rỉ không đến được giữa và cuối nguồn. Để khắc phục tình trạng này, hàng năm bà con trong xóm cũng thực hiện nạo vét, phát quang tuyến mương, dùng bao tải, đá hộc đắp vào những điểm rò rỉ nhưng không cải thiện được là bao.
 

Đập Đăng rò rỉ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
 

Ông Bùi Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Công trình đập Đăng được xây dựng từ năm 1986, thực hiện cung cấp nước tưới cho khoảng 80 ha đất canh tác của 7 xóm là Đồng, Kỵ, Lâu, Trại, Chiềng 1, 2, 3. Nhưng đập bị rò rỉ từ năm 2002, điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tích nước, vận hành của hồ chứa; ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Trên địa bàn xã có tổng số 55 km kênh mương nhưng mới kiên cố được 18,4 km. Hệ thống kênh mương quanh đập dài gần 5 km nhưng mới kiên cố được khoảng 3 km, trong đó tuyến kênh mương bị hư hỏng, khoảng 500m. Tháng mưa nhiều nước lên đến miệng cống nhưng vẫn bị rò rỉ ra phía sau cống. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện đã có đoàn công tác của huyện về khắc phục nhưng chỉ dừng ở việc sửa chữa những điểm rò rỉ để chống hạn trước mắt chứ chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên vẫn tái rò. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân và quá trình xây dựng NTM ở Tân Lập.

b
Hệ thống kênh mương bị xuống cấp hư hỏng gây thất thoát nước.

Anh Phạm Tuấn Anh, quyền Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Hoà Bình tại huyện Lạc Sơn cho biết: Hiện Chi nhánh thực hiện quản lý 45 công trình thuỷ lợi gồm 36 công trình hồ đập, 5 bai dâng và 4 trạm bơm thuỷ luân. Hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu và chủ yếu bằng phương pháp thủ công, do kinh phí khó khăn nên không được tu bổ thường xuyên… do đó, hiện nay, đa phần đều đã xuống cấp. Hiện có 16 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng cần sửa chữa trong đó có Đập Đăng. Hiện nay cống bị thủng tại vị trí chân cầu công tác giữa thân đập, nhiều đoạn kênh mương bị hư hỏng thất thoát nước. Giải pháp khắc phục là thay cống bê tông bằng cống thép và chuyển hệ thống máy đóng mở về hạ lưu và kiên cố hoá hệ thống kênh mương bị hư hỏng, kinh phí dành cho sửa chữa ước khoảng 2,5 tỷ đồng. Chi nhánh chỉ có nguồn sửa chữa nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu sửa chữa hạng mục này. Chi nhánh cũng muốn làm mà lực bất tòng tâm chỉ biết trông chờ vào nhà nước. Do đó, đơn vị đã nhiều lần đề nghị lên Công ty sửa chữa nhưng vẫn chưa được bố trí vốn.
 

Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Hoà Bình cho biết: Do thiếu kinh phí đầu tư nên việc sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp hạn chế, làm suy giảm năng lực tưới, tiêu, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, Công ty đều tổng hợp danh sách các công trình thuỷ lợi bị xuống cấp báo cáo các sở ngành. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ một mình Công ty mà cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự đầu tư tập trung từ ngân sách nhà nước để có những dự án cải tạo, nâng cấp hồ đập, kiên cố hóa kênh mương qui mô lớn và lâu dài, nhất là hệ thống kênh chính đảm bảo đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc Sơn (Hòa Bình): Đập hồ thủy lợi rò rỉ, nguy cơ mất an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO