Kết quả khảo sát hơn 20.000 người trên 34 quốc gia cho thấy: Phần lớn ý kiến đều ủng hộ hiệp ước về quản lý nhựa đầu tiên xây dựng các quy tắc ràng buộc trên phạm vi toàn cầu - áp dụng bắt buộc với tất cả quốc gia, thay vì xây dựng một thỏa thuận tự nguyện và các quốc gia có thể chọn tham gia hoặc không.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Plastic Free Foundation (một chiến dịch xã hội phi lợi nhuận, với mục tiêu ngăn 300 triệu kg nhựa thoát ra môi trường mỗi năm) kêu gọi chính phủ các nước cùng nhau xây dựng một hiệp ước về quản lý nhựa với các quy tắc ràng buộc trên phạm vi toàn cầu - đây là giải pháp duy nhất có thể hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong đó nhựa được lưu thông trong nền kinh tế và không bị thất thoát ra môi trường.
WWF và Plastic Free Foundation công bố kết quả một khảo sát do Ipsos (công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ ba thế giới) thực hiện: Theo đó, trung bình cứ 10 người được hỏi thì có 7 người tin rằng hiệp ước nên ban hành các quy tắc ràng buộc trên phạm vi toàn cầu để chấm dứt ô nhiễm nhựa. Kết quả khảo sát nghiêng về phía các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang vận động xây dựng hiệp ước nhựa đầu tiên trên thế giới theo hướng: Ban hành các quy tắc và quy định trong quá trình sản xuất, thiết kế và xử lý nhựa và có tính chất ràng buộc với tất cả quốc gia; chứ không ban hành một hiệp ước với tập hợp các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tự nguyện.
Một số quốc gia mong muốn hiệp ước ít ràng buộc hơn. Nghiên cứu cho thấy, hướng xây dựng này ít được ủng hộ, trung bình chỉ 14% người được khảo sát cho rằng đây là hướng phù hợp hơn. Phần lớn người được hỏi muốn hiệp ước đưa ra các biện pháp toàn diện: gần 8 trên 10 người ủng hộ các quy tắc bắt buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm hơn đối với nhựa do họ tạo ra, cấm nhựa khó tái chế và yêu cầu dán nhãn.
Cuộc khảo sát được triển khai trực tuyến và có 23.029 người tham gia. Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu trực tiếp hỏi người dân trên toàn thế giới về hình dung của họ đối với một hiệp ước nhựa toàn cầu nhằm giải quyết việc tiêu thụ và ô nhiễm nhựa, và đánh giá về mức độ quan trọng của các quy tắc trong hiệp ước như thế nào.
Eirik Lindebjerg - Giám đốc Chính sách nhựa toàn cầu, WWF Quốc tế, cho biết: “Nhiều người đang cảm thấy hoang mang và ngày càng thất vọng trước tình trạng mỗi quốc gia, mỗi ngành nghề lại đưa ra những biện pháp phức tạp, thậm chí trái ngược nhau, trong những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Thông qua cuộc khảo sát, chúng tôi muốn hiểu hơn về mong muốn của người dân trên toàn thế giới, và với báo cáo này chúng tôi xác định các bước hiệu quả nhất mà chính phủ cần thực hiện trong quá trình đàm phán. Cả hai nghiên cứu đều cho thấy: người dân thế giới ủng hộ và cần các quy định nghiêm ngặt, bao quát từ giai đoạn sản xuất đến quản lý nhựa ở cuối vòng đời.”
“Quá trình đàm phán diễn ra trong hai năm tới đây sẽ bộc lộ các vướng mắc và sự khác biệt trong quan điểm của các quốc gia về hiệp ước nhựa toàn cầu. Chúng ta không thể đặt tương lai vào tay của những người còn chần chừ trong việc thay đổi. Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước hãy luôn nghĩ đến cuộc khủng hoảng nhựa đang gây hại cho môi trường, hệ sinh thái, vô số loài sinh vật và sức khỏe của con người, trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn nào. Đến năm 2025, chúng ta phải có một hiệp ước có hiệu quả trong việc chấm dứt ô nhiễm nhựa.”