Một buổi chiều, đồng chí Trường Chinh - phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang ngỏ ý với chủ nhà là ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ - một gia đình thương nhân yêu nước, cơ sở tin cậy của cách mạng. Đồng chí Trường Chinh ngỏ ý muốn vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô “thu xếp cho một phòng” để đón một ông cụ ở dưới quê lên…
Đúng 18 giờ ngày hôm ấy, đồng chí Trường Chinh trở lại nhà số 48 Hàng Ngang, đi cùng có ba người. “Ông cụ” mà đồng chí nhắc tới mặc áo sơ mi, quần soóc nâu, đội chiếc mũ phớt bạc màu, chân mang đôi dép cao su. Ông cụ cao gầy, vầng trán rộng, gương mặt sạm nắng nhưng dáng đi nhanh nhẹn và đặc biệt đôi mắt rất sáng... “Ông Cụ” được chủ nhà bố trí nơi ăn ở, làm việc trên gác hai.
Hàng triệu đồng bào đem theo cờ đỏ sao vàng có mặt tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội để chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam ngày 2/9/1945. Ảnh: tư liệu. |
Thường “ông Cụ” làm việc rất khuya, đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn trên phòng ông mới tắt, nhưng 5 giờ sáng, ông bà Trịnh Văn Bô đã thấy “ông Cụ” tập thể dục ngoài ban công. 7 giờ sáng, “ông Cụ” ra Bắc Bộ Phủ làm việc, chiều muộn mới về.
Không ai biết “ông Cụ” ấy chính là Hồ Chí Minh - lãnh tụ của cách mạng Việt Nam - người đang chuẩn bị cho sự kiện trọng đại: Ra mắt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước toàn thế giới.
Và ngày tuyên bố trọng đại ấy đã đến!
Hàng triệu triệu con tim cả nước hồi hộp chờ đón giờ phút lịch sử. Những khuôn mặt rạng rỡ, hồ hởi như bừng lên cùng sắc thu lộng lẫy mà bình yên. Tất cả hướng về Ba Đình, hướng về Thủ đô Hà Nội.
Trước đó, để chuẩn bị Lễ đài cho Ngày Độc lập, theo đề nghị của Kỳ bộ Việt Minh, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh được giao trọng trách thiết kế Lễ đài với yêu cầu phải giản dị nhưng trang nghiêm, có thể đứng được ba chục người. Công việc dựng Lễ đài và viết khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Việt, Nga, Anh do ông Phạm Văn Khoa và ông Nguyễn Huy Tưởng là người của Tổ chức Văn hóa Cứu quốc phụ trách.
Lễ đài dựng giữa trung tâm Quảng trường Ba Đình. Gỗ, vải và cả thợ mộc được huy động trong dân. Khi cán bộ ngỏ lời mượn cho Ngày Lễ Độc lập thì ai cũng vui, cần bao nhiêu gỗ cứ lấy, cần bao nhiêu vải cứ xẻ... Cột cờ và các trụ Lễ đài được chôn sâu để tạo sự chắc chắn. Chung quanh Lễ đài được tạo khối bọc vải, trang nhã mà vẫn lộng lẫy. Chưa bao giờ một công việc lớn lại diễn ra nhanh chóng, khẩn trương nhưng chính xác như thế. Rạng sáng ngày mùng 2/9/1945, Lễ đài cơ bản hoàn thành.
Không thể thiếu các phương tiện thông tin như loa đài, micro, máy khuếch đại âm thanh để hơn nửa triệu người dự Lễ đủ nghe. Đoàn Hướng đạo đã cử ông Nguyễn Dực - người nổi tiếng với cửa hiệu Nguyễn Dực radio lớn nhất Hà Nội thời đó đảm nhiệm 7 cái loa to và 3 máy khuếch đại cùng 3 micro. 11 giờ trưa, tiếng thử loa rành rõ được phát ra từ chiếc micro bằng than chì, mạ kền trắng, cao 30 cm, phần trên hình tròn, đường kính 8 cm, giữa có mạng sắt, đế tròn rộng 16 cm.
Hơn 13 giờ 30 ngày 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình đã không còn một chỗ trống, các đoàn đại biểu và hàng vạn người dân của Thủ đô và vùng lân cận đều đổ về đây, háo hức chờ mong... Lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm họ mới thực sự được tự do, là người làm chủ cuộc đời mình, là nhân dân của một nước Cộng hòa. Hôm nay họ đến đây để nghe Hồ Chí Minh công bố Độc lập. Sự có mặt của họ ở đây cũng là một cách tuyên thệ trung thành và bảo vệ đến cùng nền tự do và độc lập mà họ đã góp phần làm cuộc Cách mạng vĩ đại mới giành được. Người lãnh đạo thiên tài của cuộc Cách mạng ấy, không ai khác là Bác Hồ vĩ đại kính yêu!
Công tác chuẩn bị đang đi vào phút cuối. Những trái tim như ngừng thở chờ đợi. Bỗng một vị trong Ban Tổ chức đi về phía Hội Phụ nữ Hoàn Kiếm, nói với nữ cán bộ Lê Thi: “Đề nghị đồng chí Thi lên tham gia kéo cờ trên Lễ đài!”.
Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang, Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập. |
Người phụ nữ Việt Nam - người con của một đất nước từ nay sẽ làm chủ đời mình, làm chủ đất nước mình, bóng dáng của huyền thoại Bà Trưng, Bà Triệu, của Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân anh hùng tha thướt mà mềm mại, cứng cỏi mà tinh khôi trong bộ áo dài trắng bước lên lễ đài cùng một phụ nữ trong trang phục dân tộc Tày - Đàm Thị Loan chuẩn bị nghi thức kéo cờ… Hai tay họ rưng rưng nâng lá cờ Tổ quốc màu đỏ có hình sao vàng năm cánh. Sắc đỏ của cờ, màu xanh của trời cao lồng lộng như tôn thêm nét lộng lẫy của người phụ nữ Việt anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang!
Thế rồi giây phút ngàn năm lịch sử trông đợi đã đến. Tiếng hát Quốc ca của hàng chục vạn con tim bật vang lên hùng tráng. Lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên, tung bay trên bầu trời tự do… Cả không gian như cuộn sóng. Cả đất trời như lắng lại. Quốc ca không phải cất lên lần đầu. Nhưng đó là lần đầu tiên Quốc ca được cất lên trong bầu trời hoàn toàn tự do độc lập. Làm sao mà không xúc động được. Cả chục vạn tấm lòng hân hoan. Vui sướng! Tự hào! Bật khóc trong vui sướng!
Bác Hồ xuất hiện! Thời gian như ngừng lại! Có cảm giác mọi người nghe thấy tim của nhau đập trong lần áo mỏng mùa thu. Cả vũ trụ chờ đợi tiếng nói Một Con Người!
Bác nói! Đúng rồi! Nhưng không còn là lời của Bác? Đó là lời của Non sông, của Dân tộc, của Lịch sử! Sau này Tố Hữu có những câu thơ như viết cho giờ phút này: “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...”.
Những ánh mắt thân thương trong Lễ Độc lập đều ngước lên ngắm nhìn người Cha của dân tộc mình, người đã cho họ một đời sống khác, một cuộc sống khác! Trong ngàn vạn ánh mắt ấy, có ánh mắt rưng rưng xúc động của Lê Thi, Đàm Thị Loan, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Dực, Phú Thịnh, và người phụ nữ ở số nhà 48 Hàng Ngang. Bà Hoàng Thị Minh Hồ ngắm Bác trong bộ quần áo ka ki do mình góp phần chuẩn bị, hình dung tiếng đánh máy chữ hàng đêm, hạnh phúc vì không ngờ rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập đang được người lãnh tụ yêu quý đọc tại Quảng trường đã được Bác thảo ngay trên chiếc máy chữ trong chính căn phòng tầng hai nhà 48 Hàng Ngang. Sau này, bà nói: “Những ngày tháng ấy sao mà thiêng liêng, cao quý… Tôi nghĩ, đó là thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Có độc lập là có tất cả, tôi hạnh phúc đã làm hết sức mình vì điều đó”.
Sau này, một nhà sử học từng nói rằng: Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam và các lãnh tụ, vũ trang, quân đội, thì những người dân Việt Nam, những người bình thường nhất, đã chứng tỏ một điều, chính họ đã góp phần làm nên hạnh phúc của dân tộc và cũng chính họ làm cho hạnh phúc ấy tỏa rạng bằng những việc làm giản dị nhất. Đó là điều kỳ diệu tạo nên sức mạnh Việt Nam.
Ngày 2/9/1945 - Ngày Độc lập, ngày Tết đầu tiên của dân tộc Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mãi mãi ghi tạc vào ký ức nhân dân không thể phai mờ.