Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo

GS.TS TRẦN HỒNG THÁI, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV| 11/05/2021 11:17

(TN&MT) - Thiên tai vốn dĩ là hiện tượng tự nhiên bất thường đang ngày càng có diễn biến phức tạp, khắc nghiệt hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở đất,... xảy ra phức tạp, bất thường đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung và dự báo thiên tai nói riêng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Không ngừng hiện đại hóa

Hiện nay, hệ thống thông tin KTTV đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ, từ hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành; hệ thống kênh thông tin quốc tế (GTS và WIS); hệ thống mạng riêng luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, nhất là trong khi có tình hình thời tiết nguy hiểm, phục vụ tốt yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ cũng như truyền tin kịp thời tới các Bộ, ngành, địa phương theo quy định. Thực hiện phát báo quốc tế số liệu KTTV thời gian thực qua hệ thống viễn thông toàn cầu đảm bảo đúng quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); cơ sở dữ liệu thông tin KTTV đã lưu trữ được nhiều tài liệu mang tính lịch sử, khẳng định chủ quyền đất nước.

Lĩnh vực KTTV đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã hội hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường. Hiện Việt Nam có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 782 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ô dôn - bức xạ cực tím, 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước và 18 trạm định vị sét.

Quan trắc viên lấy thông tin số liệu đo đạc từ trạm Khí tượng Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, với gần 1.500 kỹ sư có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa đến núi cao và hải đảo, họ đã không ngại khó khăn gian khổ, thầm lặng ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về KTTV, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo KTTV phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Trong những năm gần đây, với nhu cầu mang tính chi tiết - định lượng trong các thông tin dự báo KTTV của xã hội, ngành KTTV đã từng bước hiện đại hóa theo phương châm có được một cơ sở hạ tầng mang tính bền vững, được đầu tư có trọng điểm, chuyên sâu cùng các lộ trình định hướng cụ thể nhằm đáp ứng các công nghệ dự báo hiện đại trên thế giới hiện nay, đặc biệt ứng dụng công nghệ dự báo số trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan như mưa lớn, bão,...

Bên cạnh tăng cường đổi mới công nghệ, sự nỗ lực của cán bộ ngành KTTV rất đáng được ghi nhận. Với phương châm liên tục, kịp thời, các hệ dự báo từ Trung ương đến địa phương luôn theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm. Kết quả đem lại là chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo KTTV.

Cảnh báo sớm, nâng mức an toàn trước thiên tai

Có thể khẳng định, những năm qua, ngành KTTV có sự phát triển về mọi mặt, phục vụ đa lĩnh vực, đa mục tiêu, vừa đảm bảo một xã hội an toàn trước thiên tai, vừa thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở thông tin dự báo KTTV, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Năm 2018, cùng với sự chủ động phòng, chống của các cấp chính quyền, nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV đã góp phần  giảm khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017, tương ứng với 40.000 tỷ đồng. Năm 2019 - 2020, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trong nhất trong lịch sử, tuy nhiên mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 9,6% so với năm 2016.

Trong thời gian tới, ngành KTTV sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về KTTV nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực KTTV; cảnh báo, dự báo sát, kịp thời mọi diễn biến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm. Chủ động xây dựng các phương pháp dự báo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ dự báo, nâng cao chất lượng dự báo KTTV...

Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre:

Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về phòng chống thiên tai

Với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bến Tre ưu tiên bố trí đất, giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, tiến hành xây dựng hàng chục trạm quan trắc trên các nhánh sông chính của tỉnh; đồng thời, quy hoạch bố trí đất cho các vùng phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai từng vùng.

Ông Đoàn Văn Đảnh

Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch,… về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, tăng cường các giải pháp mềm về bảo vệ và khôi phục vành đai rừng phòng hộ ven biển, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có và chủ động kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô, cũng như các dự án lồng ghép các mục tiêu phòng, chống thiên tai. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực về vốn để đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, cấp nước, các dự án lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí ước khoảng 7.527 tỷ đồng.

Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp phòng tránh và ứng phó hiệu quả.

Ông Nguyễn Mậu Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi:

Xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn

Để ứng phó với tình hình thiên tai ngày càng khắc nghiệt, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương rà soát, lập phương án ứng phó thiên tai, trong đó xác định cụ thể về điểm nguy cơ sạt lở; số người/hộ cần di dời, sơ tán, cũng như vị trí di dời, sơ tán đến, lực lượng, phương tiện hỗ trợ, người chỉ huy… Ngoài ra, nhằm hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương các cấp chủ động theo dõi, ứng phó với mưa, lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã triển khai lắp đặt được 37 trạm đo mưa tự động.

Ông Nguyễn Mậu Văn

Tuy nhiên, công tác ứng phó thiên tai tại địa phương còn gặp một số khó khăn như lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phương tiện (chủ yếu tự tìm hiểu và sử dụng kinh nghiệm và công cụ tự có) do chưa được tập huấn, trang bị nên chưa đem lại hiệu quả cao.

Nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển rất cao trong khi điều kiện sắp xếp dân cư còn rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn, quỹ đất tái định cư và việc thay đổi phong tục tập quán sinh sống, sản xuất của người dân địa phương...  Trang thiết bị, công nghệ để hỗ trợ trong công tác tham mưu chỉ đạo điều hành và hỗ trợ ra quyết định tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tỉnh còn thiếu thốn và thô sơ.

Để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai ngày càng tốt hơn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiến nghị cần hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, xây dựng bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và hệ thống cảnh báo sớm cho cộng đồng phục vụ phòng, chống thiên tai. Đồng thời, kiến nghị Bộ TN&MT chỉ đạo, hướng dẫn lập và thực hiện Quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng ở các địa phương.

Ông Đỗ Hữu Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An:

Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, đa mục tiêu

Tỉnh Long An đã và đang khuyến cáo người dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra; tổ chức kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tỉnh Long An cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp khắc phục và phòng chống kịp thời. 

Ông Đỗ Hữu Phương

Tỉnh đã chủ động củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình phòng chống thiên tai; xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm; tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm kịp thời nâng cao nhận thức cho người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng bộ, đa mục tiêu. Trong đó, tỉnh ưu tiên phân bổ vốn triển khai các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển lúa nước, các vùng chuyên canh, công trình thủy lợi, ứng dụng tưới tiết kiệm.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng ở các huyện vùng sâu, vùng xa với các công trình nâng cao khả năng phòng tránh, hạn chế bất lợi thiên tai, ứng phó trước tác động của khí hậu đối đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, tỉnh Long An sẽ thường xuyên quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Nhóm PV (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO