Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Mất mát đau thương mà không bi lụy

   Đại tá Nguyễn Duy Tường| 27/07/2021 09:24

(TN&MT) - Trong gia tài thơ văn đầy đặn mà người sĩ quan quân đội, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến (1952-2014) để lại, tôi thật sự xúc động và ấn tượng mạnh với bài thơ "Gặp lại các em", vì ngoài giá trị nghệ thuật - nhân sinh cao cả, với tôi bài thơ còn là kỷ niệm đẹp của một thời quân ngũ.

 

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới"

Vào đầu thập niên 1980, vừa rời ghế trường đại học, ngồi chưa nóng chỗ tại một viện nghiên cứu ở Hà Nội, tôi nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên, khi "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...". Sau ba tháng huấn luyện, tôi được giữ lại làm Trợ lý Tuyên huấn sư đoàn huấn luyện chiến sĩ mới, phần lớn bổ sung cho các đơn vị chiến đấu ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Trong một lần sưu tầm tài liệu, báo chí viết về cuộc sống của những người lính đang làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc để phục vụ công tác tuyên truyền, tôi như bị hút hồn bởi bài thơ "Gặp lại các em" của Nguyễn Đình Chiến - bài thơ đã vượt lên hơn mười nghìn bài thơ dự thi và đoạt giải A cuộc thi thơ 1981-  1982 của báo Văn nghệ.

Bẵng đi một thời gian, tôi thuyên chuyển qua nhiều đơn vị và nhiều cương vị công tác, bài thơ "Gặp lại các em" lắng dần vào kỷ niệm. Gần đây khi giúp Đoàn Phong - Quảng thuộc Đoàn Khánh Khê biên soạn lịch sử, viết tới giai đoạn đơn vị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở Mặt trận Lạng Sơn (1979-1989), với những trận chiến đấu vô cùng ác liệt ở Pháo đài Đồng Đăng, cầu Khánh Khê, Cao điểm 400..., hình bóng "các em" trong bài thơ của Nguyễn Đình Chiến lại ùa về trong tôi.

"Gặp lại các em" viết về sự hy sinh anh dũng của những người lính trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở bên giới phía Bắc. Cảm xúc chiến trận, tình cảm dành cho những người đồng đội đã cùng chung chiến hào và anh dũng hy sinh và ý thức về chủ quyền thiêng liêng từng tấc đất biên cương Tổ quốc là "nền" cho bài thơ "Gặp lại các em" ra đời.

Viết về chiến trận, đúng vào thời điểm cuộc chiến đang diễn ra, nhưng thơ của Nguyễn Đình Chiến không ầm ào súng đạn lửa khói mà nặng về cảm xúc - một thứ cảm xúc chân thành sâu lắng dành cho đồng đội - những người lính trẻ đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, để rồi khi hy sinh, hóa thành "Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất". Bằng bút pháp nghệ thuật so sánh tài tình, hình tượng người chiến sĩ hiện lên qua câu thơ trên thật đẹp và gần gụi, thân thương.

“Các em nằm yên nghỉ bên sông/ Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất/ Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt/ Trời biên cương xanh ngắt/ Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi”.

Đến đây, người đọc bắt đầu chạm vào dòng cảm xúc của nhà thơ, cũng là tâm trạng của một người lính trở lại chiến trường xưa, sống lại ký ức với bao hình dung về đồng đội. Tình cảm ấy được đẩy lên tới đỉnh điểm khi tác giả không kìm lòng được đã thốt lên: “Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt”.

Có gì như đang hối thúc nhà thơ cùng những người lính trên chuyến xe về lại chiến trường xưa khi đứng giữa đôi bờ quá khứ và hiện tại được nối với nhau bằng con sông Kỳ Cùng vừa thực vừa hư ảo đang dào lên màu đỏ phù sa mùa lũ: “Sông Kỳ Cùng đỏ đang đợi bên kia/ Nước ngập cầu Khánh Khê, xe ca chưa sang được”. (Trong một vài phiên bản khác có ghi “Sông Kỳ Cùng đò đang đợi bên kia”, nhưng theo một số tác phẩm tuyển thơ và gần đây nhất là “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiến”, hình ảnh sử dụng trong câu thơ là “sông Kỳ Cùng đỏ”, để liên tưởng với những câu thơ sau một cách lôgich: “Nước ngập cầu Khánh Khê xe ca chưa sang được/ Anh vòng qua lối tắt/ Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì”.

"Sông Kỳ Cùng đỏ đang đợi bên kia/ Nước ngập cầu Khánh Khê, xe ca chưa sang được"

“Anh” gặp lại “các em”, vòng tay ôm từng ngôi mộ, gọi tên từng người, hình dung từng gương mặt thanh xuân, đắm chìm trong những câu chuyện cũ:  "Cho anh về sống lại những đêm/ Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc/ Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất/ Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em"; và: "Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác/... Em đập sóng thìa lia cho dậy ánh trăng vàng"

Hình ảnh và chi tiết trong thơ Nguyễn Đình Chiến đẹp và đắt, ngôn ngữ chọn lọc, chân thành trong cảm xúc, ý tứ và dung dị. Viết về trận chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc đầy quyết liệt nhưng sự quyết liệt ấy không tràn ra trên trang giấy mà được chấm phá qua những hình ảnh hết sức chọn lọc, tiêu biểu, gói gọn lại chỉ trong mấy câu thơ: 

“Bên hầm sâu, trên chiến lũy, pháo đài/ - Đất của mình chứ đất của ai/ Phải xông lên mà giữ!/ Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa/ Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong”

Viết về chiến tranh mà không hề đao to búa lớn, viết về sự mất mát hy sinh của những người lính nhưng không hề bi lụy! Âu đó cũng là một lối viết mới đã được Nguyễn Đình Chiến áp dụng thành công trong bước chuyển mình của văn học nước nhà về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, đặc biệt là giai đoạn hiện tại, khi chiến tranh đã lùi xa.

Điều đáng nói hơn khi đọc thơ “Gặp lại các em”, chính dòng cảm xúc chân thành của tác giả đã giúp người đọc dễ thấm và thấm sâu, đồng cảm với dòng cảm xúc chung trong thơ, làm cho mỗi người ý thức phải sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn: “Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất/ Thấy tan đi những suy tư vụn vặt/ Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng” như chính lời hứa thiêng liêng của đồng đội trước giờ vào trận: “Đường bình độ cả Trung đoàn thầm nhắc/ Phải giữ yên mảnh đất các em nằm”.  Và cũng từ cái cốt cách quyết liệt mà sâu trầm, bi mà không lụy của "Gặp lại các em" mà bài thơ đã chiếm một chỗ đứng vững vàng trong đời sống tinh thần của người lính nói riêng và người yêu thơ nói chung.

GẶP LẠI CÁC EM

                                 (Nguyễn Đình Chiến)

*Các em nằm yên nghỉ bên sông

Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất

Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt

Trời biên cương xanh ngắt

Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi.

*Sông Kỳ Cùng đỏ đang đợi bên kia

Nước ngập cầu Khánh Khê, xe ca chưa sang được

Anh vòng qua lối tắt

Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì.

*Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè

Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ

Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ

Nhưng gương mặt nào anh cũng nhớ y nguyên.

*Anh thì thầm gọi tên mãi từng em

Như gọi tên những người thương yêu nhất

Những đứa em chung chiến hào giữ đất

Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này.

*Chưa tròn tuổi quân nhưng các em sống trọn cuộc đời

Với đồng đội với tình yêu biên giới

Các em ơi có nghe anh gọi

Cả đội hình đơn vị sắp qua đây.

*Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài

Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất

Thấy tan đi những suy tư vụn vặt

Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng.

*Cho anh về sống lại những đêm

Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc

Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất

Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em.

*Vẫn còn đây (ôi) tiếng hát hồn nhiên

Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác

Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt

Em đập sóng thìa lia cho dậy ánh trăng vàng.

*Các em đi khi mười tám tuổi xuân

Và để lại những trái tim trong trắng

Ở Đồng Đăng, ở Thậm Mô, Chậu Cảnh

Bên hầm sâu, trên chiến lũy pháo đài

- Đất của mình chứ đất của ai

Phải xông lên mà giữ!

Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa

Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong.

*Thôi các em nằm yên

 Quân ta đang tiến về Cao Lộc

Đường bình độ cả Trung đoàn thầm nhắc

Phải giữ yên mảnh đất các em nằm.

*Lửa cháy rồi trên cao điểm Bốn Trăm…

              

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Mất mát đau thương mà không bi lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO