Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

29/09/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 29/9, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Địa chất Việt Nam (02/10/1945 - 02/10/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;  đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương; các đồng chí cán bộ lão thành Ngành Địa chất; các đại biểu và các vị khách quốc tế.

Tại buổi lễ, đồng chí Trần Hồng Hà – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ôn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành địa chất và khoáng sản. Thứ trưởng nhấn mạnh: Đất nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú. Tổ tiên ta từ xưa đã biết khai thác, sử dụng khoáng sản để xây dựng và bảo vệ đất nước gắn với sự phát triển của các thời kỳ văn hoá rực rỡ như: Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn v.v… Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/10/1945, Bộ Kinh tế Quốc dân đã ra Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ, trong đó có Nha Kỹ nghệ – tiền thân của ngành Địa chất Việt Nam ngày nay.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu

Ngày 11/11/2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được chuyển từ Bộ Công nghiệp sang Bộ Tài nguyên và Môi trường và đến năm 2010 là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Kể từ khi thành lập  đến nay, mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau, song nhiệm vụ chính của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam gần như không thay đổi đó là nghiên cứu, lập bản đồ địa chất; đánh giá và thăm dò nơi có mỏ khoáng sản; sưu tầm đánh giá và bảo vệ tài nguyên…

Từ khi ra đời đến nay, ngành đã và đang khẳng định được sự đóng góp không nhỏ của mình vào quá trình phát triển của đất nước, đạt được những thành tựu to lớn như: Hoàn thành công tác lập bản đồ ở nhiều tỷ lệ khác nhau, trong đó có bộ Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Đây là công trình nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Cho đến nay, nhiều phát hiện địa chất, các luận cứ khoa học mà các bộ bản đồ này đưa ra vẫn còn nguyên giá trị. Năm 2005, cụm công trình Bản đồ địa chất và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam

 

 Ngoài ra, ngành còn đạt được nhiều thành tựu trong công tác điều tra khoáng sản; phát hiện và thăm dò nhiều vùng mỏ, điểm khoáng sản như than, quặng sắt, đồng, thiếc, chì-kẽm, bauxit, đất hiếm, apatit, graphit, đá vôi xi măng, kaolin, felspat, đất sét v.v... Đến nay có hơn 5000 điểm quặng, mỏ khoáng của trên 60 loại khoáng sản đã được điều tra, đánh giá và một số mỏ đã và đang đánh giá ở phần dưới sâu. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, trên cơ sở điều tra, đánh giá một cách có hệ thống đã làm rõ hơn một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn làm cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khai thác - chế biến như: titan, bauxit, apatit, đất hiếm, than, urani, cát trắng, đá ốp lát, đá hoa trắng, đá vôi xi măng.

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “tất cả các nguồn khoáng chất ở Việt Nam đều là của nhà nước”, về “quyền khai mỏ”, về “Quy định chế độ khai thác mỏ”. Với các cơ sở pháp lý nêu trên, năm 1983, Tổng cục Địa chất sau này là Tổng cục Mỏ và Địa chất đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản (năm 1989). Năm 1996, Luật khoáng sản lần đầu tiên được ban hành và sửa đổi, bổ sung vào năm 2005, năm 2010, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo nên hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững Ngành Công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ an ninh quốc phòng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức quan trọng của Ngành nhằm quản lý, bảo vệ chặt chẽ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng năm, đã có hàng trăm đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề, định kỳ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đã xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả cho quản lý nhà nước về khoáng sản.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: 70 năm hình thành và phát triển với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, cơ cấu tổ chức thay đổi, song ngành Địa chất luôn vươn lên đạt thành tích nổi bật, làm sáng tỏ cấu trúc địa chất lãnh thổ Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Kết quả đạt được của Ngành Địa chất Việt Nam sau 70 năm đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2010), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1995), Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những thành quả to lớn mà tập thể cán bộ địa chất qua các thế hệ đạt được trong 70 năm qua. Phó Thủ tướng cho hay, dù trong thời chiến cũng như thời bình, những cán bộ địa chất đã không quản ngại hi sinh gian khổ để tìm kiếm khoáng sản phục vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Người làm địa chất tự hào là người đi trước, làm tiền đề cho sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn của nước ta. Các kết quả điều tra, đánh giá về một số khoáng sản gần đây như titan, bôxit với trữ lượng lớn không chỉ giúp các ngành công nghiệp phát triển mà còn giúp cho Nhà nước xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý trong tương lai.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đến cán bộ ngành địa chất, khoáng sản để những thế hệ trẻ hôm nay của ngành sẽ nối tiếp cha anh viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành địa chất và khoáng sản.

Thay mặt tập thể cán bộ ngành địa chất và khoáng sản, đồng chí Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dành cho ngành địa chất và khoáng sản. Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương bày tỏ niềm phấn khởi và xúc động trước bài phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi lễ và xin lĩnh hội, quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Tin: Q.M

Ảnh: H.M

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO