Tiến sĩ Vũ Quang Lân, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc cho biết, trong 60 năm qua, Liên đoàn đã hoàn thành xuất sắc gần 200 công trình thuộc các lĩnh vực đo vẽ địa chất, tìm kiếm, điều tra đánh giá khoáng sản; điều tra địa chất đô thị, địa chất thủy văn, địa chất môi trường….Trong đó, nổi bật là công trình Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam 1:500.000 và một số bản đồ chuyên đề cùng tỷ lệ là bản đồ địa chất đầu tiên được thành lập của chuyên ngành Bản đồ địa chất Việt Nam. Cho đến nay, Liên đoàn đã hoàn thành đo vẽ ở tỷ lệ 1:500.000 được 51 nhóm tờ với tổng diện tích 80.317 km2; 1 nhóm tờ hoàn thành công tác khảo sát thực địa.
Cùng với nhiệm vụ đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở các tỉ lệ, Liên đoàn đã tiến hành đồng thời nhiều nhiệm vụ chuyên đề, công trình tổng hợp đề tài khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực không chỉ phục vụ trực tiếp công tác đo vẽ địa chất, điều tra khoáng sản của Liên đoàn của ngành mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước và các địa phương.
Liên đoàn vinh dự được Chính phủ tặng Cờ Thi đua. |
Bên cạnh đó, Liên đoàn đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ về sử dụng tư liệu viễn thám, tin học trong nghiên cứu, điều tra địa chất, khoáng sản; các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về sinh khoáng, địa tầng, tài liệu địa vật lý, cấu trúc kiến tạo; xây dựng bộ mẫu khoáng vật trọng sa miền Bắc Việt Nam và toàn lãnh thổ Việt Nam; xây dựng sách tra cứu điện tử vật lý… Đồng thời, còn tham gia chương trình điều tra, quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Hồng; quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho các tỉnh; tham gia Tổ công tác khảo sát cấu trúc địa chất, kiến tạo- đứt gãy tuyến đập Pa Vinh II, phục vụ thiết kế, xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La.
Về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, Liên đoàn đã tổ chức lập Đề án và thực hiện 10 Đề án đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50:000, trong đó có 4 Đề án đã hoàn thành và nộp báo cáo vào lưu trữ địa chất, 1 Đề án hoàn thành thực địa, hiện đang tổng kết; 4 Đề án đang thi công; 1 Đề án đang chuẩn bị thi công.
Kết quả thực hiện các đề án lập bản đồ địa chất đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về địa chất khu vực, xác định được nhiều diện tích có triển vọng khoáng sản để đánh giá tiếp theo. Trong đó, nổi bật là các phát hiện về chì - kẽm Đèo Ách, sắt Tân An, Minh An, và đá mĩ nghệ Suối Giàng (Yên Bái), wolfram Bản Ngà, Vân Hồ (Sơn La), vàng Hứa Cuổi, Sìn Hồ (Lai Châu), đồng, vàng Nậm Lang, Sa Pa (Lào Cai)….
Liên đoàn đã tham gia thực hiện 7 Đề án Chính phủ và các Đề án khác về điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng ti tan - zircon trong tầng cát đỏ ven biển Nam Trung Bộ, quặng bauxite, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam; tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam; tiềm năng khoáng sản cát trắng ở các tỉnh ven biển miền Trung…
Liên đoàn cũng đã hoàn thành 7 nhiệm vụ tính tiền sử dụng số liệu, thông tin địa chất, khoáng sản, kết quả đã góp phần thu lại cho ngân sách Nhà nước nhiều tỉ đồng. Từ năm 2009 đến nay, Liên đoàn đã ký và thực hiện hơn 100 hợp đồng dịch vụ địa chất với tổng giá trị trên 100 tỉ đồng. Các hợp đồng dịch vụ đa dạng từ đo vẽ bản đò địa chất; điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản; lập báo cáo quy hoạch khoáng sản; điều tra tai biến địa chất; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản…
Bện cạnh đó, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Liên đoàn. Trong thời gian qua, Liên đoàn đã cử cán bộ đi học tập, tham dự hội thảo khoa học và hợp tác nghiên cứu ở nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…. trong các lĩnh vực khoa học địa chất.
Ông Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Liên đoàn |
Với những thành tích xây dựng và trưởng thành, Liên đoàn đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong dịp kỷ niệm 60 năm, Liên đoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ II và Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua.
Tôn vinh những thành tích mà Liên đoàn đạt được trong suốt 60 năm qua cũng như những đóng góp của các thế hệ trong Liên đoàn, tại buổi lễ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương khẳng định, Liên đoàn là đơn vị đầu tiên của ngành Địa chất có những công trình đạt giải thưởng Nhà nước, đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Nhà nước giao cũng như các nhiệm vụ địa chất khác cùng với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài ngành. Những thành quả đó không những là dấu son trên chặng đường xây dựng và phát triển của Liên đoàn mà còn là cơ sở khoa học, thực tiễn cho công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung, góp phần phục vụ cho ngành địa chất nói riêng.
Định hướng phát triển Liên đoàn trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương nhấn mạnh, Liên đoàn cần tiếp tục trí tuệ, nguồn lực để phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, triển khai hiệu quả Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn bộ máy của Liên đoàn, từng bước ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người lao động…; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tiếp cận với Cách mạng Công nghệ lần thứ 4.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Vụ Địa chất, Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế, các đơn vị trong và ngoài Tổng cục để mở rộng hợp tác quốc tế với các nước phát triển nhằm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ địa chất. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực, trình độ làm công tác đo vẽ bản đồ địa chất; tập trung nghiên cứu để mở rộng chuyển giao các sản phẩm đo vẽ bản đồ địa chất, đặc biệt là kết quả điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường tới các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành khác phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế của doanh nghiệp và địa phương.