Món quà người xứ Nghệ kính dâng Người
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 93 triệu người dân Việt hướng về Làng Sen- nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Trong dòng chảy tri ân ấy, có những ân tình đặc biệt của những người con xứ Nghệ đối với Người, mà Quảng trường Hồ Chí Minh nơi thành phố Vinh là hiện thân của triệu triệu trái tim ân tình ấy.
Quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh Nghệ An, ảnh TL |
Quảng trường Hồ Chí Minh- món quà của người dân Nghệ kính dâng Người được xây dựng nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật Bác trong khuôn viên rộng gần 12 ha với nhiều hạng mục, trong đó có hai hạng mục nổi bật và quan trọng nhất là lễ đài chính và lễ đài phụ. Chính giữa lễ đài chính đặt Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích 26X 30 mét, cao 3,5 mét. Tượng đài làm bằng đá Granit Bình Định, được ghép bởi 9 thớt, có 32 phiến đá ghép lại, nặng gần 300 tấn. Để chịu được sức nặng đó, móng tượng đài được đúc bởi 175 cọc bê tông có độ sâu tới 45m.
Tượng đài Bác nhìn về hướng Đông Bắc, thuận theo ánh sáng tự nhiên. Phía trước là các cơ quan dân chính Đảng, xa xa là Cửa Hội, Cửa Lũ. Người vẫn giản dị như năm 1961- lần thứ hai về thăm quê hương Nam Đàn với bộ quần áo kaki, chòm râu bạc; đôi dép cao su quay hậu, dáng đi khoan thai, ung dung thân thiện; thăm cụ già, người lớn, trẻ em.
Ngoài lễ đài chính, hai bên còn có hai lễ đài phụ B1 và B2 có sức chứa 300 chỗ mỗi bên dành cho các đại biểu ngồi khi tổ chức mít tinh, kỷ niệm. Mỗi khán đài phụ có 11 cột cờ để treo Quốc kỳ, đảng kỳ và hồng kỳ. Trung tâm Quảng trường là cột cờ cao 18m thường ngày treo cờ Tổ quốc. Phía trước lễ đài là đường hành lễ rộng 24,6m dài 347,43m được thảm nhựa bê tông 4 lớp dùng để diễu binh, diễu hành và duyệt binh trong các ngày lễ lớn. Sân hành lễ với diện tớch 22.760m2, giữa sân hành lễ là 99 ô thảm cỏ với kích thước 9,8m x 9,8m mỗi ô. Những ô cỏ này tạo màu xanh tươi mát cho Quảng trường làm giảm đi sức nóng của mùa hè Xứ Nghệ. Phía sau Tượng đài Bác là ngọn núi nhân tạo với ý tưởng mô phỏng theo núi Chung ở Kim Liên- một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, một địa danh đó gắn bó với Bác Hồ từ thủa ấu thơ, nơi đây từ thuở thiếu thời Nguyễn Sinh Cung và bạn bè thường kéo co, thả diều, đánh trận giả trong những chiều lộng gió…
Đã 17 năm trôi qua kể từ ngày khánh thành, Quảng trường Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên, tươi mới. Nhưng điều khắc sâu hơn cả, là ngần ấy thời gian và mãi mãi ngàn đời sau này vẫn thế, triệu triệu người dân Việt vẫn nhắc nhớ Người.
Kỳ niệm 130 năm ngày sinh của Người, trong hành trình về quê hương Bác, không ai không ghé thăm Quảng trường Hồ Chí Minh. Bởi đến đây không những tham quan, du lịch; mà đến để tri ân, khắc sâu trong tâm khảm về công lao đức độ của Người. Để rồi sau chuyến hành hương thăm quê Bác, mỗi người lại truyền nối cho thế hệ con cháu của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một sứ mệnh lịch sử của người Việt. Để rồi sau chuyến hành hương ấy, lòng mỗi người trong sáng hơn, nhân văn cao cả hơn.
Các dân tộc Tây nguyên mãi nhớ ơn Người
Tọa lạc trên khoảng đất rộng 12 ha, Quảng trường Đại đoàn kết ở thành phố Pleiku không chỉ là biểu tượng của đất và người Gia Lai, mà còn là biểu tượng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết quanh Bác Hồ trong mọi thời đại.
Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở Quảng trường Đại đoàn kết thành phố pleiku Gia Lai, ảnh Lê Khanh |
Quảng trường Đại đoàn kết hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12-2012 sau hơn hai năm xây dựng. Chính diện Quảng trường là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với các dân tộc Tây Nguyên được đúc bằng đồng nguyên chất theo công nghệ gò ép, có chiều cao 10,8 m. Đây là bức tượng đồng Bác Hồ cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm này. Tượng đài Bác Hồ được đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh Thanh Hóa cao 4,5 m (cao nhất Việt Nam hiện nay). Phía sau tượng đài Bác Hồ là bức phù điêu uốn cong với những hình ảnh được chạm khắc trên đá Grannic rất tinh tế, mưu tả về cảnh sinh hoạt cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên. Hai bên tượng đài là dãy cồng chiêng được làm bằng đồng.
Theo người dân nơi đây, mỗi lần du khách đến thăm Quảng trường, phải tự mình đánh lên cồng chiêng để lấy may. Một điều đặc biệt khác là cách bố trí cồng chiêng cũng khác. Tất cả đều treo số lẻ. Cồng, hoặc chiêng chỉ treo 5, 7 cái, kể cả bậc lên tượng đài Bác Hồ cũng là số lẻ (11 bậc).
Theo ông Y Ê Niêng, người giữ hồn cồng chiêng ở khu di tích Quảng trường Đại đoàn kết, thì việc xây dựng Quảng trường này không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống qua các thế hệ; mà còn là mẫu hình của sự đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Sở dĩ cồng, chiên treo ở hai “cánh gà” quảng trường và bậc đá lên tượng đài Bác đều mang số lẻ, vì đây là phong tục, nét văn hóa của người Gia Lai. Số lẻ bao giờ cũng may mắn trong cuộc sống.
Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những giây phút cuối đời của Bác hơn 50 năm sau kể lại vẫn thấy nhói đau trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam.
Khuya ngày 1-9-1969, tức là trước lúc Bác đi vào cõi vĩnh hằng hơn 12 giờ. Bác gọi đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp đề nghị cố gắng làm sao để Bác ra gặp đồng bào chừng 5 phút nhân ngày Quốc khánh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác là buổi lễ đã được tổ chức tối qua rồi. Người lặng đi! Thế là hy vọng gặp đồng bào lần chót đã không thành. Một ngày sau, Bác từ biệt chúng ta! Như vậy nguyện vọng, mong ước lớn lao nhất đời Bác cũng là điều ân hận lớn nhất của Bác trước khi từ giã cõi đời là đất nước chưa được thống nhất, đồng bào Nam Bắc chưa sum họp một nhà và Người chưa trở lại được miền Nam. Đó cũng là nỗi buồn day dứt lớn lao nhất của đồng bào, chiến sĩ miền Nam hơn 60 năm trời vẫn mong ngóng đón Bác vào thăm mà không thực hiện được.
Sinh thời, Người đã từng nói: “Miền Nam còn trong máu lửa thì không một phút nào Bác không nghĩ đến Miền Nam. Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Lời nói của Người đã biến thành sức mạnh như vũ bão được đồng bào và chiến sĩ miền Nam quyết tâm thực hiện đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975.
Để nhân dân thành phố mang tên Bác được tri ân thêm khắc sâu trong tâm khảm công lao của Người, nhân kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh nhật Bác, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đặt Tượng đài “Bác Hồ với chiến khu Việt Bắc” trước Trụ sở UBND thành phố. Đây không chỉ là công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử giáo giáo dục, kế tục truyền thống; mà còn là tình cảm của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với Bác.
Nguyên mẫu của tượng đài này có tên gọi “Bác Hồ với chiến khu Việt Bắc” được thực hiện bằng chất liệu đồng đỏ do bàn tay điêu khắc tài hoa Diệp Minh Châu đúc tạc. Tượng nặng gần 9 tấn, cao 3,3 mét. Do tượng đài có hình Bác đang ôm em bé nên người dân thành phố quen gọi là “Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi”.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường thành phố mang tên Bác- TP Hồ Chí Minh, ảnh Lê Khanh |
Dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người, ngày 17-5-2015, UBND thành phố đã thỉnh Tượng đài Bác đứng đưa tay chào nhân dân đặt vào vị trí Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi. Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi được chuyển về khuôn viên Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh. Tượng đài Bác hiện nay cao 7,2 mét trên Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ hướng về bến Bạch Đằng- nơi 109 năm trước Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
Trong trái tim bộ đội Trường Sa
Bóng hình Bác không chỉ ở đất liền, mà còn ở tận nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam- đó là Trường Sa.
Tượng Bác Hồ đặt trong Nhà niệm Hồ Chí Minh ở đảo Trường Sa lớn, ảnh Lê Khanh |
Bức tượng đồng nguyên khối nặng gần 1 tấn được đặt trong Nhà tưởng niệm Bác Hồ giữa ngàn khơi Tổ quốc do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí trùng tu, xây dựng vào năm 2010. Với bộ đội Trường Sa, bức tượng Bác Hồ không chỉ là nơi giáo dục lòng yêu nước, ngưỡng mộ và trân trọng; mà còn là tự tôn vinh vị Cha già kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Mỗi lần ngắm nhìn tượng Bác, trong tim mỗi người lính Trường Sa nhớ về lời Người dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày có trời có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”
Nơi vĩnh hằng giữa lòng Tổ quốc
Trong những tượng đài Bác Hồ khắp ba miền Bắc- Trung- Nam, có một nơi được gọi là trái tim của Tổ quốc, đó là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh- nơi yên nghỉ vĩnh hằng của người con dân tộc cả đời tận hiến vì dân vì nước.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh- nơi Người yên nghỉ vĩnh hằng, ảnh Lê Khanh |
Không thể kể hết ra đây những chi tiết cụ thể về quá trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng không thể nói hết những gian khổ khó khăn trong quá trình thi công Lăng Bác dưới mưa bom bão đạn những năm cuối của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chỉ biết từ ngày đón Bác vào Lăng và từ ngày Lăng Bác mở, đón nhân dân cả nước và bầu bạn quốc tế đến thăm Người, nơi ấy trở nên thiêng liêng, trong sáng vô ngần. Dù bất cứ là ai, người Việt Nam hay người ngoại quốc, mỗi khi vào Lăng viếng Bác, tất cả đều xúc động, ngưỡng mộ và kính trọng. Để rồi sau những giây phút đi quanh linh cữu Người, để rồi sau khi nghe những câu chuyện kể về tình yêu bao la, đạo đức, tác phong và những giấy phút cuối cùng của Bác, tất cả đều thấy lòng trong sáng hơn; sống, lao động, học tập ý nghĩa hơn.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), mỗi người dân Việt Nam như tiếp thêm niềm tự hào về dân tộc. Dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã trọn đời tận hiến, hi sinh và làm rạng rỡ.