Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã trực tiếp tham gia những giai đoạn khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ông là một trong những cán bộ chủ chốt được Quân đội lựa chọn vào lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển trên chuyến tàu không số, đó là con đường “Hồ Chí Minh trên biển”.
Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, với bản lĩnh và nghị lực của người lính đã được tôi luyện qua nhiều chiến trường ác liệt, cùng với nền tảng kiến thức được đào tạo, chuyên sâu, trên cương vị Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng Bệnh viện Thống Nhất ngày càng phát triển. Giáo sư không những là người đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển chuyên ngành Lão khoa, là người quản lý năng động, có tầm, có tâm huyết với nghề nghiệp mà còn là một nhà giáo mẫu mực hết lòng vì học trò, một nhà khoa học nghiêm túc với nhiều công trình được ứng dụng thiết thực và hiệu quả trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
Đối với Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, việc giáo dục đào tạo đội ngũ thầy thuốc cho thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm đam mê. Không những thế, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành còn thường xuyên viết sách, tài liệu nhằm phổ biến kiến thức y học đến với mọi tầng lớp nhân dân. Một trong những sự kiện đáng ghi nhớ nhất, ở thời điểm khó khăn nhất của thời kỳ kháng chiến là Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp Filatov nổi tiếng, đã cứu sống, điều trị và nâng cao sức khỏe cho thương bệnh binh và cho nhân dân.
Nói về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, giới khoa học luôn ghi nhớ ông đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam và Spirulina (tảo xoắn xanh của Việt Nam) có tác dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bồi hồi, xúc động tại lễ kỉ niệm, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Thư ký riêng của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã chia sẻ nhiều kỉ niệm đối với người thủ trưởng đáng kính của mình: “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là một người lãnh đạo nghiêm nghị nhưng rất thẳng thắn, nhiệt tình, thân thiện với tất cả mọi người. Đặc biệt, ông còn là người có sức chịu đựng phi thường và một tấm lòng nhân ái bao la, dù phải trải qua 11 lần lên bàn mổ để xử lý những vết thương do bom đạn kẻ thù, dạ dày chỉ còn 1/4 nhưng ông đã 10 lần hiến máu để trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, con trai duy nhất của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành xúc động chia sẻ: “Điều khiến tôi nhớ nhất và cũng khâm phục nhất là 3 lần ba tôi nói không với những điều kiện thuận lợi dành cho mình. Lần đầu tiên là khi được học bổng sang Pháp, ông từ chối vì không được học nghề y mà ông mong muốn. Lần thứ hai là sau khi hoàn thành xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô, khi được đề nghị giữ lại học tiến sĩ, ông cũng quyết tâm trở về chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Lần nói không thứ ba là với đề xuất làm Thứ trưởng Bộ Y tế để tiếp tục ở lại làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất, trực tiếp cứu chữa được nhiều người hơn”.
Dịp này, Bệnh viện Thống Nhất cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành, như: Đặt tượng Giáo sư Nguyễn Thiện Thành trong khu vực Bệnh viện Thống Nhất; tái bản cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng”; giới thiệu bộ phim tài liệu 2 tập “Bác sĩ Filator”. Bên cạnh đó, Bệnh viện Thống Nhất cũng phát động cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành trong đoàn viên thanh niên và nhân viên Bệnh viện.