Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920 – 1/12/2020): Vang vọng mãi Lời thề giữ đảo

Lê Khanh | 28/11/2020 14:01

(TN&MT) - “Trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Lời thề đó vẫn còn nguyên giá trị; là ý chí sắt thép và “kim chỉ nam” để thế hệ cán bộ chiến sĩ Trường Sa quyết tâm chiến đấu giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa thời bình lặng im tiếng súng.

Lời Đại tướng Lê Đức Anh vang vọng bên cột mốc chủ quyền Trường Sa, ảnh Nguyễn Viết Thá

Lời thề đanh thép thiêng liêng

Sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo đá Gạc Ma rạng sáng 14-3-1988 làm 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Để động viên cán bộ chiến sĩ tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa tiếp tục giữa vững chí khí chiến đấu, kiên trì đấu tranh, kiên quyết giữ đảo, Đại tướng Lê Đức Anh đã vượt sóng ra Trường Sa và thăm cán bộ chiến sĩ từ ngày 4 đến ngày 9-5-1988. Đây là “chuyến thăm đặc biệt” nhằm củng cố  niềm tin cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa sau sự kiện hải quân Trung Quốc tàn sát 64 cán bộ chiến sĩ ở các đảo Gạc Ma, Cô Lin thuộc Cụm đảo Sinh Tồn.

Đại tướng Lê Đức Anh đọc “lời thề giữ đảo” trước cán bộ chiến sĩ Trường Sa, ảnh Nguyễn Viết Thái

Ngày 7-5-1988, Quân chủng Hải quân đồng loạt tổ chức mít tinh kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của mình (7-5-1955 – 7-5-1988). Đảo Trường Sa lớn là một trong nhiều đơn vị được tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm này. Nhân chuyến thăm bộ đội Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng. Giữa nắng gió Trường Sa, bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, giọng Đại tướng Lê Đức Anh đanh thép khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.

Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau. Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Cán bộ chiến sĩ Trường Sa thể hiện quyết tâm giữ đảo đến cùng, ảnh Nguyễn Viết Thái

Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước

Trước tình hình biển Đông còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thế hệ cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân trong Quần đảo Trường Sa vẫn nêu cao và mài sắc ý chí chiến đấu; phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam đấu tranh và “mời những con tàu không mời mà đến” ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Song song với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, ngày đêm cán bộ chiến sĩ vẫn miệt mài huấn luyện, rèn luyện, xây dựng củng cố doanh trại, hầm hào công sự chiến đấu với tinh thần “giữ Trường Sa bằng sức mạnh dân tộc và trái tim người lính biển”.

Đại tướng Lê Đức Anh đi thị sát nơi ăn nghỉ, huấn luyện của bộ đội Trường Sa, ảnh Nguyễn Viết Thái

Năm 2008, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ chiến Trường Sa, 63 tỉnh thành và hơn 90 triệu dân đồng bào chiến sĩ cả nước hướng về Trường Sa thân yêu. Hàng trăm tổ chức, chương trình ra đời với mong muốn góp một phần sức lực, chung tay cùng cán bộ chiến sĩ Trường Sa giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Chương trình “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc”, “Tất cả vì Trường Sa”… có sức lan tỏa hiệu ứng rộng rãi. Cùng với việc động viên cán bộ chiến sĩ Trường Sa bằng vật chất, tinh thần, việc củng cố, xây dựng hệ thống phòng thủ đảo vững chắc được chú trọng. Với ý nghĩa “bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển”, hàng trăm công trình quân sự phòng thủ kiên cố được xây dựng, hệ thống đường bay, các công trình dân sinh cho ngư dân trên đảo được hoàn thành. Tổ quốc Việt Nam được kê cao thêm giữa đại dương bao la. Tiêu biểu cho phong trào này là “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn phát động.

Trường Sa hôm nay “Thay da đổi thịt” - ảnh Lê Khanh

Giữ trọn lời thề, quyết tâm giữ đảo

32 năm trôi qua kể từ ngày Đại tướng Lê Đức Anh đọc Lời thề ngoài “quần đảo bão tố”, thế hệ cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, kiên trì bám biển, mỗi đảo là một pháo đài vững chắc, mỗi chiến sĩ là một cột mốc chủ quyền, kiên quyết giữa vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuần tra bảo vệ Trường Sa, ảnh Lê Khanh

Lịch sử là dòng chảy liên tục và chưa bao giờ lãng quên “những sự kiện bi tráng”. Dẫu sự kiện “Gạc Ma 1988” đã lùi vào dĩ vãng nhưng mãi mãi không bao giờ mờ phai trong chính sử của công cuộc bảo vệ biển đảo của Tổ quốc giữa thời bình lặng im tiếng súng. Lời thề giữ đảo của Đại tướng Lê Đức Anh 32 năm trước mãi mãi là “kim chỉ nam” cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa, và nó còn nguyên giá trị về “Bài học bảo vệ chủ quyền” của Tổ quốc trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920 – 1/12/2020): Vang vọng mãi Lời thề giữ đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO