(TN&MT) - Ngày 6/1, tại tỉnh Bình Phước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Long An, Lâm Đồng, Đắk Nông và TPHCM.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại phiên họp |
Phiên họp lần thứ 10 nhằm đánh giá các nhiệm vụ đã được thực hiện trong năm 2016 về triển khai đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Báo cáo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết, hệ thống lưu vực sông Đồng Nai chảy qua địa phận 11 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. Nguồn nước của lưu vực sông có tầm quan trọng đối với các tỉnh, thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội và quan trọng hơn là chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân của khu vực phía Nam. Trong năm 2016, 11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã có nhiều chính sách, thực hiện nhiều đợt quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở hạ tầng bảo vệ nguồn nước. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về điều kiện tự nhiên, thông tin thủy văn, thông tin khí tượng, hiện trạng môi trường, số liệu quan trắc… đã được Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai thực hiện nhằm chia sẻ thông tin dữ liệu giữa 11 tỉnh, thành phố có lưu vực sông để phối hợp quản lý và xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa phát biểu về Quy chế phối hợp |
Qua kết quả quan trắc nguồn nước cho thấy, hiện nay, tầng nước mặt của lưu vực sông Đồng Nai vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng phần nước trung lưu và hạ lưu sông đang trong tình trạng ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp của các tỉnh, thành phố lận cận. Đối với Bình Phước, tỉnh có 3 con sông chính có nguồn nước chảy qua và đổ về sông Đồng Nai là Sông Bé, Sông Sài Gòn, Sông Đa Dâng. Theo thống kê cho thấy, xung quanh khu vực các con sông này hiện có 261 nguồn thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở y tế… xả ra lưu vực sông, với lưu lượng khoảng hơn 29.700m3/ngày. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh mới chỉ thống kê, điều tra được 70 nguồn thải.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thành phố đang có những áp lực đối với công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh TPHCM và các tỉnh lân cận. Trong năm 2016, lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra bắt giữ và xử lý 37 ghe bơm hút cát, 24 máy ghe, 25 máy bơm hút, 5 đầu bơm, 7 ống bơm, xử phạt vi phạm hành chính 15 ghe vận chuyển cát trái phép ở các vùng giáp ranh. Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, xử lý chỉ giới hạn trong địa phận TPHCM. Trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, khu vực giáp ranh gặp nhiều khó khăn vì bị giới hạn bởi ranh giới hành chính. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường nguồn nước mặt ở khu vực giáp ranh cũng phức tạp và khó khăn vì chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Lãnh đạo UBND TPHCM và UBND các tỉnh ký kết Quy chế phối hợp. |
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, cần phải phát huy trách nhiệm của từng địa phương trong việc bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; phải bảo vệ chất lượng nguồn nước thật tốt để phục vụ cho các hoạt động của con người. Lãnh đạo TPHCM xác định không phát triển kinh tế quá mức để đánh đổi việc ô nhiễm môi trường.
Thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh, thành bàn bạc các nội dung liên quan đến cơ chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, để nâng cao chất lượng thực hiện đề án, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các vấn đề liên tỉnh, liên vùng, liên ngành. Kết thúc phiên họp, các đại biểu đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Tài nguyên nước, Tài nguyên khoáng sản và Bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng.
Thục Vy