Đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, năm 2018, tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo điều hành đồng bộ quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực; triển khai mạnh mẽ các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng; dự ước năm 2018 có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; mặc dù phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thử thách như vốn đầu tư công bị cắt giảm, sự cố môi trường biển…
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh) năm 2018 ước đạt 32.417 tỷ đồng, tăng 7,15% so với năm 2017. Cơ cấu các ngành kinh tế với dịch vụ chiếm ưu thế 50,4%; công nghiệp - xây dựng 31,66%; nông, lâm, thủy sản 10,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,97%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) (%) đạt 7,15; Thuế sản phẩm đạt 6,5%; Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người 1793 USD; Giá trị xuất khẩu 920 triệu USD; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.500 tỷ đồng; Thu ngân sách Nhà nước đạt 7236 tỷ đồng; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,07%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,06%; Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 62%; Tạo việc làm mới 16.000 người; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 80%; Độ che phủ rừng đạt 57,3%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 96%...
Đến cuối tháng 11/2018 có 650 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5% so cùng kỳ, với số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 670 doanh nghiệp tăng 5,1%, với số vốn đăng ký đạt khoảng 6.900 tỷ đồng.
Đã thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó, có 27 dự án trong nước với vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng (trong KCN, KKT có 6 dự án với số vốn đăng ký đạt 1.624 tỷ đồng ) và 7 dự án cấp mới FDI, điều chỉnh 2 dự án FDI với số vốn đăng ký 1.161,8 triệu USD.
Nhìn chung thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều chỉ tiêu cơ bản như thu ngân sách, tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đều có khả năng đạt và vượt. Các công trình, dự án trọng điểm đã khởi động và tổ chức thực hiện quyết liệt; nhiều công trình, dự án hoàn thành bước đầu phát huy tác dụng. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Bức tranh đô thị và nông thôn có nhiều điểm sáng và đang trên đà thực hiện đô thị hóa; đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính.
Lấy phiếu tín nhiệm nhiều chức danh
Kỳ họp sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày từ nay đến 7/12. Theo chương trình tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Đó là xem xét, thảo luận các báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2019, thông qua các Nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; thông qua báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm tại các dự án lớn trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; kiện toàn nhân sự UBND tỉnh.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối 26 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu theo Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội... Đây là lần duy nhất trong nhiệm kỳ 2016 -2021, HĐND tỉnh thực hiện quyền giám sát về công tác nhân sự theo quyền hạn của mình.
Theo ông Cái Vĩnh Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, việc lấy phiếu tín nhiệm là công việc rất quan trọng, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thay mặt cử tri và nhân dân trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt trong bộ máy chính quyền do HĐND tỉnh bầu ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
“Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, đợt này sẽ được tiến hành qua 9 bước theo đúng quy định. HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín theo các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm”- ông Tuấn thông tin.
Cũng tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn sẽ được đổi mới theo hướng tăng cường tính đối thoại, tranh luận. Đại biểu HĐND sẽ không gửi câu hỏi trước, chỉ gửi nhóm vấn đề (tại các kỳ họp trước thì đại biểu gửi câu hỏi để cơ quan chức năng chuẩn bị nội dung trả lời); phiên chất vấn sẽ được thực hiện với hình thức hỏi, đáp trực tiếp, nội dung hỏi và trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, không báo cáo thành tích, kết quả…
“Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh có nhiều nội dung quan trọng. Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi đề nghị mỗi vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp…”- ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.