Nội dung chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh tập trung vào công tác hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở; giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; triển khai thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng; quản lý các dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường được chất vấn về công tác cải cách hành chính của sở; quản lý, bảo vệ môi trường đối với các mỏ khai thác khoáng sản; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Khổng Quốc Tuân, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân Sách HĐND tỉnh nêu: “Theo báo cáo kết quả kiểm tra, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 42 giấy phép hết hiệu lực chưa thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường hoặc đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định và 17 khu vực chưa cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường, đề nghị ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp khắc phục và hướng xử lý đối với các mỏ này trong thời gian tới?”.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực cho biết toàn tỉnh hiện có 65 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó 23 giấy phép hết hiệu lực, 42 giấy phép chấm dứt hiệu lực và 17 khu vực chưa được cấp giấy phép. Kể từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 1867 thì sở không tham mưu cấp mới, gia hạn một giấy phép nào.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu tỉnh tổng rà soát lại các mỏ để tham mưu hướng xử lý. Qua kiểm tra, rà soát, sở đã yêu cầu đóng cửa mỏ với 4 giấy phép khai thác khoáng sản, đang yêu cầu chủ của 35 giấy phép hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ (trong đó hiện nay 14 doanh nghiệp đang nộp hồ sơ đóng cửa mỏ). Với 17 khu vực chưa cấp phép thì sau khi thống nhất với các địa phương, căn cứ vào quy hoạch, qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đưa ra quy hoạch 8 khu vực, còn 6 khu vực sẽ lập hồ sơ quy hoạch để đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tiếp tục chất vấn về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần có lời hứa, đưa ra thời hạn cụ thể để xử lý vấn đề trên.
Trả lời, đồng chí Hoàng Văn Thực hứa khi có hồ sơ của các chủ mỏ thì Sở sẽ thành lập hội đồng xem xét, quyết định thực hiện đóng của mỏ theo quy định.
Đại biểu Lương Thu Hương chất vấn: “Có tình trạng số liệu đất đai của xã với Phòng Tài nguyên và Môi trường không khớp nhau, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Sở có giải pháp gì để giải quyết?”.
Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận có tình trạng này, do khi quy hoạch dự án chưa đo vẽ mà chỉ ước tính số liệu. Khi triển khai đền bù giải phóng mặt bằng mới đo vẽ, trích lục dẫn tới số liệu khác nhau. Để đồng bộ, thống nhất phải lấy số liệu trích đo giải phóng mặt bằng. Tới đây, tỉnh thực hiện dự án đồng bộ hóa dữ liệu bằng phương pháp đo chụp bằng vệ tinh thì sẽ có số liệu chính xác.
Trước đó, vào ngày 7/12 , tại phiên họp khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến rất khác biệt so với thời điểm xây dựng kế hoạch, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình phát triển KT-XH của Hải Dương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Nền kinh tế có sự phục hồi khá, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát, dự kiến đạt và vượt 9/16 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9%, thu ngân sách nhà nước vượt 30% dự toán năm. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác giao đất, cho thuê đất, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án và khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng đất sai phép, sai mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản; ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Hoàn thành nhiệm vụ “Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ tỉnh Hải Dương”. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như: ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi... Khuyến khích phát triển dự án xanh, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải.
Ước cả năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 90%; tỷ lệ các CCN (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%, tỷ lệ các doanh nghiệp được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 100%. Xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh Hải Dương. Chủ động kêu gọi hỗ trợ về tài chính, công nghệ, thu hút các dòng vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu…
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, tỉnh Hải Dương xác định rõ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 với 15 chỉ tiêu, gồm 6 chỉ tiêu kinh tế, 7 chỉ tiêu xã hội và 2 chỉ tiêu môi trường. Trong đó, đặt mục tiêu kinh tế tăng trưởng trên 9% so với năm 2022. Chuyển từ chiến lược “mục tiêu kép” thành chiến lược “đa mục tiêu”: Vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội; tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành trong năm 2023.
Cũng trong phiên họp sáng 7/12, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đức Tuấn đã báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Theo đó, cử tri các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh giá đất khi thực hiện thu hồi, GPMB triển khai các công trình, dự án phát triển KT-XH. Đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi GCNQSDĐ, tăng cường kiểm tra, xử lý, thu hồi đất với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng đất không đúng mục đích.
Cử tri các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Lai Vu, sông Vạn. Cử tri thị xã Kinh Môn đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ dân ở thôn Tiên Xá, xã Lê Ninh, nơi bị ảnh hưởng bụi khói của nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2022, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; kết quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh các tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022; Quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025; sắp xếp, sáp nhập, chia tách, thành lập mới một số thôn, khu dân cư; quy định mức chi phục vụ hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình…