(TN&MT) - Những ngày gần đây, nhiều hộ dân xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh phản ánh Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại 666 đã tự ý tiến hành cải tạo mặt bằng, lắp đặt hệ thống trạm trộn bê tông trên bờ đập hồ chứa nước Bãi Sào làm tăng nguy cơ mất an toàn hồ đập, đe dọa đến cuộc sống hàng chục hộ dân.
Hồ chứa nước Bãi Sào nằm ở thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), có dung tích trên 500 nghìn m3. Đây là công trình thủy lợi xung yếu tại địa phương, có tác dụng lớn trong việc tích trữ, cung cấp nguồn nước cho 3 thôn Tân Phong, Bắc Phong, Tượng Phong với gần 50ha ruộng lúa hai vụ và nhiều hoạt động sản xuất khác. Năm 2008, UBND huyện Kỳ Anh đã trích ngân sách gia cố thêm phần thân hồ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Hoạt động của Công ty Huy Hoàng tại khu vực phản ánh |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 666 đã ký hợp đồng với UBND xã Kỳ Phong để được quyền sử dụng đất đập hồ Bãi Sào trong vòng 3 năm. Sau khi đạt được thỏa thuận, phía doanh nghiệp đã tiến hành “cải tạo” mặt bằng bờ đập, lắp đặt hệ thống dây chuyển trạm trộn bê tông và đã biến tuyến bờ đập này thành điểm hoạt động kinh doanh, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Mặt khác, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn bờ đập mà nguy hiểm hơn là nguy cơ gây ô nhiễm hồ nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh này.
Nhiều người dân sống cạnh chân đập bức xúc phản ánh: “Chúng tôi đã nhiều lần góp ý việc cho doanh nghiệp thuê bờ đập để hoạt động kinh doanh, sản xuất sẽ đe dọa đến an toàn hồ nước nhưng họ không thèm nghe. Dù đang trong mùa khô, doanh nghiệp cứ ngang nhiên đục khoét bờ đập thì có ai dám đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến?. Tình trạng vi phạm hành lang, thân đập đã diễn ra mấy tháng nay, người dân đã nhiều lần có ý kiến nhưng không hiểu vì sao, chính quền các cấp tại huyện Kỳ Anh vẫn không có biện pháp xử lý triệt để ?”.
Văn bản thỏa thuận giữa UBND xã Kỳ Phong với doanh nghiệp |
Ông Võ Tiến Thạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho biết: “Công trình thủy lợi hồ chứa nước Bãi Sào do HTX nông nghiệp Hùng Cường quản lý. Tháng 3/2014, sau khi xét đề nghị của Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại 666 muốn mượn mặt bằng làm địa điểm trộn bê tông, xã đã tổ chức họp bàn và thống nhất cho mượn 9000 m2 tại khu vực Đá Lẽ, trong vòng 3 năm (PV- từ năm 2014-2017) với kinh phí hỗ trợ 130 triệu đồng”. Hoạt động của trạm trộn bê tông sẽ không ảnh hưởng gì đến an toàn hồ đập Bãi Sào - Ông Thạnh khẳng định thêm.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, phía Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại 666 ký một văn bản thỏa thuận với xã Kỳ Phong nhưng không sử dụng mà bàn giao lại cho Công ty Huy Hoàng có địa chỉ tại Hà Nội, hiện đang thi công gói thầu dự án nâng cấp QL1A qua xã Kỳ Phương sử dụng. Theo đó, đơn vị này đã tiến hành cải tạo bờ đập, lắp đặt hệ thống dây chuyền, xây nhà cho công nhân trên thân đập và biến khu vực này thành điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Được biết, cam kết bằng văn bản được thực hiện trước đó với chính quyền địa phương là không đào xới, làm thay đổi hiện trạng mặt bằng cho thuê.
Chúng tôi có mặt chứng kiến, tại địa điểm lắp đặt hệ thống dây chuyền trộn bê tông ngay trên thành đập Bãi Sào chỉ cách mặt nước khoảng chừng 5-10m nhưng có nơi Công ty Huy Hoàng đã tự ý đào sâu xuống lòng đất khoảng 3m làm bể chứa nước tưới phục vụ hoạt động; vật liệu bao gồm cát, sỏi, mặc dù hệ thống máy trộn chưa vận hành nhưng đã được tập kết chất thành núi ngay trên bờ hồ trông rất nhếch nhác, lộn xộn. Cạnh nhà các hộ dân, dọc tuyến đường cắt ngang từ QL1A đi vào khu vực hồ Bãi Sào khoảng 1km, vật liệu xây dựng được xếp ngổn ngang.
Ông Võ Tiến Thạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong |
Cũng được nói thêm, việc làm của doanh nghiệp tại khu vực nói trên nếu chính thức đi vào hoạt động thì lưu lượng xe vận tải qua lại trên thân đập rất lớn, dễ gây sụt lún, nguy cơ phá hỏng hệ thống bờ đập là rất có thể sẽ xảy ra. Đề nghị các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh xem xét, có biện pháp xử lý để bảo vệ an toàn hồ đập Bãi Sào.
Theo Thông tư số 45/2009/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cắm mốc an toàn hồ chứa nước. Tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 nêu rõ khoảng cách an toàn đối với đập từ cấp III trở xuống của hồ chứa nước; hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 5 triệu m3 thì khoảng cách 2 mốc liền nhau tối thiểu là 20m (đập ở gần khu đô thị, dân cư tập trung) và 50m (đập không gần khu đô thị, dân cư tập trung)...Các hoạt động phục vụ ngoài mục đích bảo vệ được coi là xâm hại đến an toàn của công trình thủy lợi. |
Bài & ảnh: Đức Cảnh