Kon Tum: Tập huấn Web Gis trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

31/10/2016 00:00

(TN&MT) - Trong hai ngày 20 và 21/10 vừa qua, tại TP.Kon Tum (Kon Tum), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng...

 

(TN&MT) - Trong hai ngày 20 và 21/10 vừa qua, tại TP.Kon Tum (Kon Tum), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức “Tập huấn thí điểm sử dụng cơ sở dữ liệu Web Gis trong nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và sử dụng máy tính bảng trong giám sát rừng”.

Quang cảnh buổi tập huấn ngày 20/10
Quang cảnh buổi tập huấn ngày 20/10

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ năm 2012. Từ trước đến nay, việc nghiệm thu rừng để chi trả DVMTR thực hiện theo quy định tại Thông tư 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Theo Thông tư này, việc nghiệm thu để chi trả DVMTR có hai nhóm đối tượng: (i) đối với chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn phải xây dựng hồ sơ hiện trạng rừng nộp về Sở NN&PTNT và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để liên ngành tổ chức nghiệm thu.

(ii) đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn thì hàng năm người dân tự kê khai kết quả bảo vệ rừng nộp cho thôn, thôn tổng hợp nộp cho xã, xã tổng hợp nộp cho Hạt kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm cấp huyện tổng hợp kết quả tự kê khai bảo vệ rừng của người dân, xác nhận kết quả (trường hợp có kiến nghị của người dân và trường hợp cần thiết khác Hạt kiểm lâm chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan khác tiến hành kiểm tra, nghiệm thu) gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh làm cơ sở thanh toán.

Trong khi đó, việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh do Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm thực hiện và cập nhật vào hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp (Formis) do Tổng cục Lâm nghiệp quản lý. Như vậy, việc nghiệm thu chi trả DVMTR và việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tương đối độc lập với nhau, dẫn đến số liệu có thể khác nhau.

Ngoài ra, theo quy định, diện tích rừng phải kiểm tra, nghiệm thu hàng năm của tỉnh Kon Tum để chi trả DVMTR lên đến hơn 30.000 ha (10% tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR của toàn tỉnh). Với diện tích này, khối lượng công việc mà liên ngành (đối với chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn) và các Hạt Kiểm lâm (đối với chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn) phải thực hiện rất lớn, tốn nhiều thời gian và công sức, đây là điểm bất cập trong công tác nghiệm thu, chi trả DVMTR hiện nay. Do đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu Web Gis trong chi trả DVMTR là phương pháp nghiệm thu rừng mới, nhằm thống nhất sử dụng cơ sở dữ liệu trong ngành lâm nghiệp. Kon Tum địa phương nằm trong dự án IPFES được chọn thí điểm thực hiện nội dung này.

Trong hai ngày 20 và 21/10 vừa qua, tại Kon Tum, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức tập huấn “Thí điểm sử dụng cơ sở dữ liệu Web Gis trong nghiệm thu chi trả DVMTR và sử dụng máy tính bảng trong giám sát rừng”. Khóa tập huấn giới thiệu hệ thống Web Gis phát triển bởi dự án IPFES nhằm hỗ trợ các bên liên quan trong việc xây dựng, cập nhật, quản lý, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin về chi trả DVMTR.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đã cùng với đơn vị tư vấn Trung ương hoàn thành cơ sở dữ liệu trong 1 năm qua, cơ bản hoàn tất bước chuẩn bị. Việc nghiệm thu theo phương pháp mới trên cơ sở kế thừa số liệu diễn biến tài nguyên rừng do Kiểm lâm theo dõi, cập nhật để tổ chức kiểm tra, nghiệm thu diện tích rừng cung ứng DVMTR, đảm bảo việc sử dụng số liệu của ngành lâm nghiệp trong tỉnh được thống nhất”.

Theo phương pháp mới này, từ nguồn dữ liệu diễn biến rừng của lực lượng Kiểm lâm cập nhật trên hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp (Formis), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ trích xuất dữ liệu, xây dựng bản đồ hiện trạng các lưu vực và chủ rừng, phục vụ cho công tác kiểm tra, nghiệm thu của các ngành chức năng và các Hạt Kiểm lâm huyện.

Đây cũng là nguồn dữ liệu duy nhất được dùng để xây dựng dữ liệu phục vụ việc chi trả DVMTR. Bên cạnh đó, buổi tập huấn cũng giới thiệu và đào tạo các ứng dụng của máy tính bảng như: thiết bị dẫn đường, máy vi tính để xem thông tin bản đồ rừng, máy ảnh GPS chụp ảnh hiện trường có tọa độ kèm theo; có thể vẽ tuyến khảo sát và mở trên Google Earth, phục vụ công tác giám sát, điều tra rừng.

Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Triệu Văn Hùng - Phó Cố vấn trưởng dự án IPFES cho biết: “Buổi tập huấn là một hoạt động cụ thể, trong đó chủ yếu hướng dẫn về kỹ thuật sử dụng ảnh vệ tinh làm công cụ kỹ thuật xử lý thông tin địa lý, phối hợp với các Hạt Kiểm lâm cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu để có số liệu duy nhất có cơ sở pháp lý đảm bảo độ tin cậy, chính xác cao”.

Hiện, trong 3 tỉnh của dự án IPFES là Kon Tum, Huế và Lào Cai thì Kon Tum là tỉnh đã được cập nhật dữ liệu theo dõi diễn biến rừng mới nhất từ cơ sở dữ liệu của Formis II (năm 2015). Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp và các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để tham mưu Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng theo phương pháp mới này.

Hy vọng trong thời gian tới, việc thí điểm sử dụng cơ sở dữ liệu Web Gis trong nghiệm thu chi trả DVMTR và sử dụng máy tính bảng trong giám sát rừng sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực cho công tác lập kế hoạch và giám sát chi trả DVMTR tại tỉnh Kon Tum.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Tập huấn Web Gis trong chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO