Hiện tại, tỉnh Kon Tum đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng thời, Kon Tum còn tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách trên đạt hiệu quả; phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất để phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thực thi có hiệu quả các chính sách
Trong thời gian qua, một số chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS đã được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum như: Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS số nghèo, đời sống khó khăn... ở địa phương.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, từ 2003 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện các chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt được một số kết quả. Cụ thể, tổng số hộ đã được hỗ hỗ trợ đất sản xuất và đất ở là 11.237 lượt hộ, trong đó hỗ trợ đất sản xuất cho 7.206 hộ, hỗ trợ đất ở cho 4.031 hộ với tổng kinh phí 108.047,4 triệu đồng, trong đó ngân sách Trương ương 34.998,7 triệu đồng, ngân sách địa phương 2.961,7 triệu đồng và vốn vay tín dụng 70.087 triệu đồng.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS có đất để làm nhà ở ổn định, các hộ được hỗ trợ đất sản xuất từng bước phát triển sản xuất trên diện tích đất được hỗ trợ để nâng cao thu nhập hộ gia đình, giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu lương thực, góp phần làm tăng sản lượng lương thực của địa phương, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Một số địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ đã chuyển nội dung hỗ trợ về đất sản xuất sang hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề, như: chăn nuôi bò cái, dê cái sinh sản; mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.
Đảm bảo có đất ở, đất sản xuất
Đảm bảo đất ở, đất sản xuất là một trong những điều kiện giúp hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ngày 21/01/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 206 về việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hướng đến đảm bảo thực hiện hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ DTTS có đất ở đạt 97,06%; tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất đạt 97,18% tính đến hết năm 2022 và phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, các địa phương tập trung rà soát, xác định, nắm danh sách các hộ đồng bào DTTS không có đất ở, không có đất sản xuất. Từ đó, tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, đề ra các giải pháp triển khai thiết thực, hiệu quả. Từ những khó khăn rút ra trong quá trình triển khai, để việc thực hiện đạt chỉ tiêu, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp, rà soát đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS theo định kỳ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ từ nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS tại Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hiện tại, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tun) đang triển khai nhiều công trình, dự án có thu hồi đất, giải phóng mặt bằng lớn có liên quan đến đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS. Để đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, UBND TP. Kon Tum đã xây dựng, trình cấp thẩm quyền Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào DTTS trong nội thành, gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án. Đồng thời, TP. Kon Tum tập trung tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào DTTS đăng ký di dân đến huyện Ia H’Drai để định canh, định cư theo chủ trương của tỉnh.