Kon Tum: Nhiều khó khăn trong quản lý chất thải sinh hoạt

25/06/2018 20:53

(TN&MT) - Việc thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt chưa triệt để như hiện nay ở Kon Tum đã gây ra nhiều tác động như: mất mỹ quan đô thị; gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người…

rac
Phân loại rác tại nguồn giúp nâng cao hiệu quả trong xử lý rác thải sinh hoạt

Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, tốc độ phát sinh lượng rác thải sinh hoạt cũng gia tăng nhanh về thành phần và số lượng.

Thống kê cho thấy, lượng rác sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào khoảng gần 200 tấn/ngày. Trong đó, chất thải ni lông chiếm từ 3-5%, tương đương với khoảng 5-10 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh khoảng 70-90% và chủ yếu thu gom tại đô thị. Một số khu vực chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Tại khu vực nông thôn chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh đều chưa được phân loại tại nguồn, các loại chất thải thu gom được chuyển đến bãi chôn lấp để xử lý. Trong khi, hầu hết các bãi chôn lấp tại các huyện (trừ thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông) đều chỉ là bãi chứa rác thải tập trung, tự phân hủy, có quy mô nhỏ và đang trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Các công trình xử lý nước thải từ một số bãi rác đã bị hư hỏng, quá tải, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Thực tế, công tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn, bất cập. Kinh phí đầu tư cho việc xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu công nghiệp. Đa số cơ sở hạ tầng về xử lý rác thải chưa đảm bảo theo quy định. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương thiếu chặt chẽ.

Ông Nguyễn Đình Chương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Kon Tum cho biết: Do không có kinh phí nên hiện Công ty chỉ tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 10 phường của thành phố Kon Tum, 11 xã trực thuộc thành phố phải tự thu gom và xử lý rác sinh hoạt. Tuy nhiên, ý thức của người dân đối với giữ gìn vệ sinh công cộng còn rất thấp, đặc biệt là tại khu vực các làng người đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân có thói quen xả rác tự do, không đúng vị trí và giờ giấc quy định nên công nhân vệ sinh phải đi thu gom nhiều lần.

Nói về nguyên nhân của những khó khăn trong quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, bà Đường Thị Hồng Luân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum cho biết: “Công nghệ xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp; sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác đầu tư cho xử lý chất thải rắn còn hạn chế, thiếu các chính sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải, thiếu vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải, mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư”.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum đã tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để đôn đốc dự án sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông về thu gom rác rác thải, bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Để hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng được nâng cao và đạt hiệu quả tích cực, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh, kiếm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính để thu hút các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn có công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Nhiều khó khăn trong quản lý chất thải sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO