Kon Tum: Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai

05/09/2018 17:18

(TN&MT) - Đây là một trong các giải pháp trọng tâm của Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành.

Mục tiêu lớn nhất của Kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh Kon Tum là nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản. Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Kon Tum tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:

Trước tiên, tỉnh sẽ triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" trên địa bàn tỉnh với các hoạt động: tổ chức đào tạo, tập huấn; công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; lập kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai. Đồng thời, tỉnh sẽ lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương gắn với việc triển khai: Dự án di dân khẩn cấp phòng chống thiên tai lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; Đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở các bờ sông; nâng cấp và gia cố những đoạn thường xảy ra sạt lở đất, đá trên các Quốc lộ, Tỉnh lộ và giao thông nông thôn; Đầu tư xây dựng các trạm khí tượng, thủy văn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ...

kon tum
Lòng hồ thủy điện Sê San trong mùa nước lũ. Ảnh: V.N

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng công trình cấp nước, trữ nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước; tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi để trữ nước ngọt; đẩy mạnh sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đưa thông tin đến thôn, bản và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của tỉnh là rà soát, hoàn thiện và chủ động bố trí nguồn lực thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp, phương án ứng phó thiên tai tương ứng từng cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét, đảm bảo sát với thực tiễn; Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai, tổ chức diễn tập để rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tế của địa phương; Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương. Xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở trước mắt là tại cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, thời gian hoàn thành trong năm 2020.

Sở TN&MT: Tăng cường quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn

Để triển khai hiệu quả các giải pháp đã đặt ra, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Đồng thời, Sở phải phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San, đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước; đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện thực hiện cập nhật tự động dữ liệu thông tin vận hành hồ chứa trước năm 2020 theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

kon tum 2
Chương trình đánh giá rủi ro thiên tai và lập kế hoạch phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật và lồng ghép giới tại thành phố Kon Tum.

Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông phải nâng cao chất lượng công tác truyền thông, tuyên truyền, đưa tin trong phòng, chống thiên tai. Xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với tình huống mưa lũ, bão mạnh, siêu bão.

Riêng đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đào tạo kiến thức, phổ biến kỹ năng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường học, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở từ năm 2020. Ngoài ra, Sở phải chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, thiết bị, dụng cụ học tập và cơ sở hạ tầng giáo dục khi xảy ra tình huống thiên tai, đặc biệt là bão, mưa lũ; đầu tư xây dựng trường học kết hợp điểm sơ tán dân đảm bảo yêu cầu an toàn khi xảy ra thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO