Kon Tum: Lợi dụng tận thu gỗ lòng hồ thủy điện để phá rừng?

07/10/2016 00:00

(TN&MT) - Trên đường vào dự án nhà máy thủy điện Đăk Rê, thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, hàng trăm cây gỗ cổ thụ có đường kính từ 0,5m đến cả mét...

 

(TN&MT) - Trên đường vào dự án nhà máy thủy điện Đăk Rê, thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, hàng trăm cây gỗ cổ thụ có đường kính từ 0,5m đến cả mét để ngổn ngang. Người dân cho phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường biết: Bên cạnh những cây gỗ tận thu từ lòng hồ thủy điện có cả gỗ được chặt phá trái phép bên ngoài lòng hồ.

Hàng trăm cây gỗ được tập kết bên đường, có cả gỗ khai thác bên ngoài lòng hồ thủy điện Đăk Rê.
Hàng trăm cây gỗ được tập kết bên đường, có cả gỗ khai thác bên ngoài lòng hồ thủy điện Đăk Rê.

Bát nháo rừng giáp ranh

Dự án thủy điện Đăk Re nằm trên địa bàn xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty CP Đầu tư - xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư. Công trình chiếm dụng khoảng 175 ha đất các loại. Trong đó, diện tích rừng nguyên sinh tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gần 100 ha. Hiện nay, lòng hồ thủy điện này đang được khai thác tận thu lâm sản. Khi thủy điện tích nước phát điện, lòng hồ phải được khai thác trắng để tránh lãng phí tài nguyên rừng.

Đơn vị được giao nhiệm vụ tận thu lâm sản tại lòng hồ là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ông Nguyễn Thanh Bình – PGĐ công ty cho biết: Trước đây, diện tích rừng này do công ty quản lý, sau khi được giao nhiệm vụ tận thu lâm sản, công ty đã ký hợp đồng với 2 đơn vị có chức năng và đủ năng lực khai thác. Việc tận thu được thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, khai thác đến đâu là sạch đến đó. Những cây lấy gỗ để riêng, còn lại xếp vào củi đưa về bãi tập kết để bán đấu giá thu ngân sách cho huyện nhà.

Nhiều cửa rừng được mở mới thay vì khai thác cuối chiếu tại lòng hồ thủy điện Đắk Rê.
Nhiều cửa rừng được mở mới thay vì khai thác cuối chiếu tại lòng hồ thủy điện Đắk Rê.

Thế nhưng, thực tế khai thác lại đang thực hiện theo kiểu “úp nơm” chọn cây lấy gỗ khai thác trước còn cây củi vẫn giữa nguyên. Các loại cây nhỏ, cây bụi, dây leo khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Rê vẫn dày đặc, mọc um tùm như những cánh rừng nguyên sinh chưa bị tác động. Rừng um tùm được ví như màn che để các đơn vị khai thác tận thu gỗ tự tung, tự tác bên trong. Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, việc tận thu gỗ chủ yếu ở vùng giáp ranh. Người dân cho hay, ở đây không chỉ các đơn vị khai thác mà còn có cả lâm tặc tranh thủ “đục nước béo cò”.

Hậu quả là những cách rừng vùng ven lòng hồ thủy điện Đăk Rê đang bị chặt phá tan hoang, những cây gỗ lớn đã bị đốn hạ vận chuyển ra khỏi rừng công khai như gỗ tận thu. Điều nghi vấn lớn nhất ở đây là việc tận thu gỗ có được tập kết bán đấu giá thu ngân sách cho huyện một cách triệt để hay còn bị thất thoát?.

Gỗ mới được khai thác còn nguyên nhựa chưa được kiểm lâm đóng búa.
Gỗ mới được khai thác còn nguyên nhựa chưa được kiểm lâm đóng búa.

 

Nhiều cây gỗ bên ngoài lòng hồ thủy điện còn trơ gốc.
Nhiều cây gỗ bên ngoài lòng hồ thủy điện còn trơ gốc.

Cơ quan chức năng nói gì?

Làm việc với phóng viên, ông Võ Minh Văn - Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kon Plông xác nhận: Việc lợi dụng tận thu lòng hồ để chặt phát gỗ bên ngoài là có thật, đã và đang diễn ra. Hạt cũng đã tổ chức lực lượng đi kiểm tra và phát hiện nhiều cây gỗ bên ngoài lòng hồ đã bị đốn hạ. Hạt đang làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng của huyện để có hướng xử lý.

Ông Võ Minh Văn – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kon Plông khẳng định việc khai thác gỗ ngoài lòng hồ là đúng.
Ông Võ Minh Văn – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kon Plông khẳng định việc khai thác gỗ ngoài lòng hồ là đúng.

Thế nhưng khi làm việc với Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Thanh Bình – PGĐ khẳng định không có. Để quản lý việc tận thu lâm sản lòng hồ thủy điện Đăk Rê, công ty đã thành lập tổ công tác giám sát thường xuyên. Đến cuối tháng 9/2016, lãnh đạo công ty vẫn chưa nhận được thông tin của tổ giám sát về việc khai thác gỗ ngoài lòng hồ thủy điện. Chỉ đến khi phóng viên đưa ra bằng chứng đã được Hạt kiểm lâm xác nhận là đúng thì ông Bình mới xuống giọng cho rằng: Về thông tin  này, công ty sẽ cho kiểm tra lại. Nếu thực sự có việc lợi dụng tận thu lòng hồ để khai thác gỗ vùng giáp ranh thì đơn vị khai thác phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử lý nghiêm.

Khi phóng viên đặt vấn đề: Tại sao lại không khai thác theo kiểu cuốn chiếu mà lại khai thác chọn lọc như hiện nay, ông Bình giải thích: “Điều này phụ thuộc vào thực tế và việc khai thác do đơn vị khai thác chọn. Việc khai thác cuốn chiếu đơn vị khai thác sẽ bị thua lỗ vì chỉ bán được gỗ còn củi không biết bán cho ai? Nhiều khả năng cây củi sẽ không thể khai thác được”.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên: Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên có hàng trăm lò đốt than hoạt tính của người dân và doanh nghiệp đang khan hiếm nguyên liệu để hoạt động thì củi tận thu từ lòng hồ thủy điện này sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các lò than hoạt động. Như vậy, củi không bán được là thiếu cơ sở.

Ông Nguyễn Thanh Bình – PGĐ Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông sẽ cho kiểm tra lại thông tin mà báo chí trao đổi.
Ông Nguyễn Thanh Bình – PGĐ Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông sẽ cho kiểm tra lại thông tin mà báo chí trao đổi.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng các đơn vị khai thác gỗ tận thu lòng hồ đang “để dành” cây ủi, cây bụi, dây leo rậm rạp để làm màn che hữu hiệu cho việc bát nháo bên trong.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Lân – Chủ tịch UBND huyện Kon Plông được biết: “UBND huyện cũng chưa nhận được báo cáo cụ thể về sự việc này. Nếu có, chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm”. Ông Nguyễn Văn Lân chia sẻ: Thế mạnh của huyện Kon Plông là diện tích rừng nguyên sinh che phủ lớn đạt 78% với hàng ngàn loài động, thực vật còn lưu giữa. Rừng nguyên là thế mạnh của Kon Plông để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, do đó mục tiêu là phải giữa bằng được rừng, mọi xâm hại đến rừng sẽ bị xử lý nghiêm minh./.

Bài và ảnh – Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Lợi dụng tận thu gỗ lòng hồ thủy điện để phá rừng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO