Kon Tum lên tiếng về vụ chuyển đổi đất rừng thông để trồng mắc ca

31/08/2017 00:00

(TN&MT) – Liên quan đến phản ánh của báo điện tử TN&MT về việc tỉnh Kon Tum đồng ý cho chuyển đổi hơn 100 ha rừng thông trên 20 năm tuổi để cho Công ty...

 

(TN&MT) – Liên quan đến phản ánh của báo điện tử TN&MT về việc tỉnh Kon Tum đồng ý cho chuyển đổi hơn 100 ha rừng thông trên 20 năm tuổi để cho Công ty TNHH Đăng Vinh thuê trồng mắc ca, ngày 31/8, tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo thông tin về vụ việc.

Như báo điện tử TN&MT đã phản ánh, năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã chuyển đổi hơn 100 ha rừng thông trên 20 năm tuổi tại xã Đăk Long, huyện Kon Plông – vùng du lịch sinh thái trọng điểm tiềm năng của tỉnh Kon Tum và cả nước để có đất cho Công ty TNHH Đăng Vinh thuê triển khai dự án trồng mắc ca. Ngoài ra, còn một số dự án trồng sim, cây dựơc liệu… cũng đã được đề xuất xin thuê đất để trồng.

Rừng thông đang bị khai thác ngổn ngang để nhường đất cho dự án trồng mắc ca
Rừng thông đang bị khai thác ngổn ngang để nhường đất cho dự án trồng mắc ca

Để chuẩn bị triển khai, hơn 100 ha rừng thông xanh mát bị đốn hạ để nhường đất cho dự án trồng mắc ca, khiến nhiều người dân cũng như khách du lịch tiếc nuối. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Kon Tum thừa nhận, dự án mắc ca còn quá nhiều rủi ro đối với vùng đất này và hiện Kon Tum chưa có quy hoạch chi tiết mà mới chỉ có định hướng về việc trồng cây mắc ca.

Báo đánh giá thực trạng và khả năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào tháng 5/2017 cũng cho biết, cây mắc ca sinh trưởng kém đến trung bình, và chưa thể đánh giá được hiệu quả của loại cây này.

Khi dự án đã bắt đầu triển khai, rừng thông 20 năm tuổi trên đất dự án đã bị cạo trọc để nhường đất cho mắc ca thì Công ty TNHH Đăng Vinh lại có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Kon Tum để xin giãn tiến độ xuống giống mắc ca. Đồng thời, Công ty cũng nhận thấy mắc ca còn nhiều nghi vấn về hiệu quả nên xin được trồng xen cây ăn quả.

Liên quan đến thông tin này, ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, chưa nhận được tờ trình này. Đồng thời, ông Hải cho biết: huyện Kon Plông chưa có trồng khảo nghiệm cây mắc ca. Bản thân cây mắc ca cũng là cây lâm nghiệp, sau 7 đến 8 năm, cây phát triển cũng tạo được cảnh quan và giữ được khí hậu không thua gì cây thông. “Việc trồng cây mắc ca không ảnh hưởng nhiều đến môi trường”, ông Hải nói.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã có quyết định về quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây bắc và Tây Nguyên là 5.940 ha, trong đó tỉnh Kon Tum là 290 ha, đặt tại các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ rông. Đến nay, đã có 6 dự án có chủ trương đầu tư nông nghiệp tại huyện Kon Plông với tổng diện tích là 480,81 ha, trong đó đất rừng thông trồng phải hi sinh là 400,43ha.

Tin & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum lên tiếng về vụ chuyển đổi đất rừng thông để trồng mắc ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO