Môi trường

Kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy Côn Đảo phát triển bền vững

Việt Hùng (thực hiện) 02/09/2023 - 09:53

(TN&MT) - Là địa chỉ du lịch nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, ý nghĩa, huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong quy hoạch và phát triển. Đây là điều kiện tiềm năng để Côn Đảo áp dụng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM), chủ nhiệm đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt.

chandung.jpg
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TN&MT.

PV: Xin ông cho biết lý do tại sao cần nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại huyện Côn Đảo?

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Côn Đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, có tiềm năng lớn trong khai thác dịch vụ sinh thái rừng và phát triển khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, Côn Đảo đang gặp phải một số thách thức như vấn đề xử lý rác thải, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch và hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu.

Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH là xu hướng hiện nay trên thế giới, được Đảng và Nhà nước quan tâm, thúc đẩy triển khai. KTTH đang được xem là giải pháp tối ưu để phát huy các thế mạnh cũng như duy trì mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Với tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo cũng như trước những thách thức trên, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.

Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 25/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao; xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều công văn, chủ trương về việc đầu tư phát triển kinh tế Côn Đảo bền vững, theo mô hình KTTH đã được ban hành thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với sự phát triển bền vững huyện Côn Đảo của các cấp lãnh đạo tỉnh.

Như vậy, việc áp dụng mô hình KTTH đối với Côn Đảo một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường, đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra. Từ những phân tích trên cho thấy, việc nghiên cứu áp dụng mô hình KTTH đối với huyện đảo Côn Đảo là một nhu cầu cấp thiết cần được xem xét thực hiện.

con-dao-5-402(1).jpg

PV: Để có những bước chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tỉnh đã đặt ra những mục tiêu gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn chúng tôi và ngay trong Nghị quyết mới đây nhất về phát triển Côn Đảo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ rõ, nhằm giải quyết các tồn tại, thách thức về vấn đề môi trường, tỉnh sẽ tăng cường các chương trình thu gom, xử lý và tái chế các loại chất thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn. Mục tiêu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt (đáp ứng theo Quyết định số 687/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam ngày 7/6/2022).

Xây dựng các chương trình cung cấp nước sạch và tái sử dụng nước nhằm tăng tỷ lệ cấp nước sạch và tái sử dụng nước. Phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10%. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau, mục tiêu đạt 10%.

Chúng ta cũng cần tăng số lượng phương tiện giao thông sử dụng năng lượng/nhiên liệu xanh. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, đạt 80% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 10%.

Và điều không thể thiếu đó là chúng ta cần triển khai công tác đánh giá sức tải môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá được mức độ vượt tải về không gian du lịch, môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội tại Côn Đảo. Qua đó, có thể xác định được các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường và thiên nhiên đảo.

PV: Ông có thể cho biết, Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung phải làm gì để đạt được những mục tiêu nêu trên?

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Chúng tôi cho rằng, việc đầu tiên cần làm là giáo dục, tuyên truyền để người dân và chính quyền địa phương hiểu về KTTH, từ đó, tạo sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nâng cao tỷ lệ hoàn thành các mục tiêu. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông qua các trang mạng xã hội, kênh truyền thông hay tổ chức các cuộc thi sáng tạo, các khóa học bồi dưỡng có cấp chứng chỉ dành cho cán bộ quản lý, nhân viên… Phối hợp xây dựng chương trình giới thiệu bảo vệ môi trường Côn Đảo thông qua các công ty lữ hành tới du khách.

Để giảm thiểu rác thải, tiến tới nói không với rác thải nhựa, tỉnh sẽ đầu tư trang thiết bị thu gom và vận chuyển rác. Bên cạnh đó, tuyên truyền và triển khai các chương trình tập huấn phân loại rác tới tận người dân, du khách cũng như cán bộ quản lý, đội ngũ trực tiếp làm công tác thu gom và tái chế, tái sử dụng rác thải thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn. Triển khai giáo dục ý thức cộng đồng và ý thức du khách thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, tờ rơi tại các điểm du lịch, sân bay, bến tàu về công tác bảo vệ môi trường, cam kết không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng nhựa một lần và túi ni lông.

Cùng với đó, theo tôi, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiếp tục ban hành chính sách quy định các công ty lữ hành, vận tải trong việc tuyên truyền và khuyến khích du khách về trách nhiệm bảo vệ môi trường, các chính sách cấm hành khách mang chai nhựa dùng một lần lên đảo và các chính sách khuyến khích không sử dụng túi ni lông, tiến tới cấm dùng túi ni lông và thu phí với sản phẩm nhựa sử dụng một lần mang lên đảo.

Ngoài ra, cần khuyến khích các giải pháp sáng tạo, đổi mới có tính đột phá trong việc áp dụng các giải pháp thay thế, ví dụ thay nhựa một lần bằng các nguyên liệu có nguồn gốc sinh học; Xây dựng các hệ thống thay thế hộp xốp đựng thực phẩm dùng một lần, chai nhựa phục vụ nước uống cho du khách và người dân... cùng với việc áp dụng các mô hình KTTH khác trên đảo, chúng tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy Côn Đảo phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO