Kinh tế

Kinh tế sáng tạo có thể mang lại cho Việt Nam nhiều tỷ đô la

Khánh Ly 12/03/2024 - 14:52

(TN&MT) - Xét về giá trị hàng hoá sáng tạo xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới với 14 tỷ USD. Kinh tế sáng tạo đang trở thành ngành kinh tế mới, đứng chung với kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm... và có tiềm năng gần như không giới hạn.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 12/3, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế sáng tạo nhấn mạnh các yếu tố thương mại hóa sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo; trong đó đặc biệt thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Với đầu vào chính là tính sáng tạo và vốn trí tuệ, kinh tế sáng tạo mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động.

z5241613363320_7b6513646c25bc54465ce67c4a2c45ef.jpg
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về

Theo nghiên cứu của CIEM, xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD (2002) lên 524 tỷ USD (2020). Từ năm 2007 đến nay, châu Á vẫn là khu vực xuất khẩu lớn nhất. Riêng Trung Quốc đạt 169 tỷ USD và chiếm 32% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo toàn cầu. Tiếp sau là các quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Hồng Kông, Pháp, Anh, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới xét về giá trị hàng hoá sáng tạo xuất khẩu (đạt 14 tỷ USD năm 2020). Các ngành kinh tế sáng tạo gồm có: Thủ công mỹ nghệ; thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình; phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm; du lịch & di sản văn hoá; âm nhạc và giải trí; Xuất bản & Văn học; Sáng tạo nội dung số (blog, vlog, podcast và tạo nội dung trên mạng xã hội); tiếp thị và quảng cáo số.

Trong gần 20 năm qua, cơ cấu xuất khẩu hàng hoá sáng tạo chuyển dịch rõ rệt, giảm các loại hình lưu trữ thông tin như đĩa CD, DVD, băng, báo và các tài liệu in sang tăng mạnh phương tiện truyền thông ghi âm và trò chơi điện tử. Về sản phẩm xuất khẩu chính, các mặt hàng thiết kế chiếm ưu thế (đạt 62,9% năm 2020). Các nước phát triển thống trị xuất khẩu xuất bản, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, trong khi các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.

untitled.png
Nhóm 10 nước có giá trị xuất khẩu hàng hoá sáng tạo cao nhất (năm 2020)

Về dịch vụ sáng tạo xuất khẩu có 6 nhóm: Nghiên cứu và phát triển; phần mềm; nghe nhìn; thông tin; quảng cáo, nghiên cứu thị trường và kiến trúc; các dịch vụ văn hóa, giải trí và di sản. Giá trị xuất khẩu dịch vụ sáng tạo trên thế giới đã tăng từ 487 tỷ USD năm 2010 lên gần 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Giá trị xuất khẩu dịch vụ sáng tạo vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển cũng như số hóa một số hàng hóa sáng tạo.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi.

Khảo sát của Viện CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan.

Đặt vấn đề sở hữu trí tuệ là nguồn năng lượng cho sáng tạo, nhưng vẫn chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ là sự thừa nhận thành quả của lao động sáng tạo và là căn cứ để khai thác thương mại, đem lại giá trị kinh tế cho các bên, bao gồm cả chủ thể sáng tạo – nhà đầu tư – người tiêu dùng.

Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đảm bảo tương thích với kinh tế sáng tạo, cam kết quốc tế và lợi ích quốc gia là yêu cầu mang tính quyết định. Trong đó, cơ chế, chính sách, pháp luật cần đồng bộ, kịp thời, khả thi có yếu tố dự báo; trong đó, xác định vai trò, lợi ích và trách nhiệm giữa các bên tham gia.

z5241613305627_8c86d4e2c520cd8fd3b6c7061549f44b.jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại và cạnh tranh, kinh tế sáng tạo tạo có sự giao thoa của nhiều lĩnh vực, vậy đứng từ góc độ quản lý, sự phối hợp giữa các Bộ ngành quản lý cần được chỉ ra cụ thể. Bên cạnh đó, sự sáng tạo liên quan đến mỗi cá nhân, đồng nghĩa với chính sách phải chỉ rõ đến cá nhân, đầu tư cho sáng tạo có thể là đầu tư đến từng con người. Điều này cũng đặt ra vấn đề về cách thức đo lường, định lượng giá trị gia tăng từ kinh tế sáng tạo.

Theo TS Võ Trí Thành, kinh tế sáng tạo có thể xuyên quốc gia, điển hình là việc mời các ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn như cách Singapore mời ca sĩ Taylor Swift. Quan trọng là điều kiện trong nước có thể đáp ứng được các yêu cầu của ca sĩ, nhóm nhạc ấy hay không. Bên cạnh đó, địa phương có thể tổ chức nhiều hoạt động cùng lúc để tạo sự cộng hưởng, nâng tầm sự kiện và gia tăng giá trị từ kinh tế sáng tạo...

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, góp ý để Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”; thực trạng hoạt động kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cơ hội và thách thức, yêu cầu hoàn thiện chính sách và cơ sở dữ liệu nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định các vấn đề ưu tiên ở cấp độ quốc gia, lĩnh vực, địa phương và có xem xét đến từng tổ chức, cá nhân. Kinh tế sáng tạo nên tuân theo các yếu tố thị trường, và đã là thị trường sẽ không có đánh giá hoàn hảo. Lợi ích, nhu cầu của các nhóm chủ thể chỉ có thể cân bằng tương đối và có thể điều chỉnh kịp thời nếu cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế sáng tạo có thể mang lại cho Việt Nam nhiều tỷ đô la
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO