Môi trường

Kim Sơn sẽ trở thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển

Hoàng Tuyết 27/04/2023 - 11:16

(TN&MT) - Cuộc khẩn hoang của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khi xưa đã hình thành nên huyện vùng biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với hàng nghìn héc-ta bãi bồi rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn cùng bờ biển dài, đảo lớn Cồn Nổi, Cồn Mờ, nhiều cửa sông, cửa biển… Kim Sơn đang tập trung nguồn lực để “đánh thức” những tiềm năng, lợi thế còn bỏ ngỏ của vùng đất mở này.

Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có khá nhiều tiềm năng thế mạnh như: có Cửa Đáy - nơi giao thương buôn bán liên tỉnh tấp nập, có Cồn Nổi để phát triển du lịch, có đường ven biển nối liền Nam Định và Thanh Hóa, là vùng nằm trọn trong Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng với sự đa dạng sinh học phong phú, nhiều loài có tên trong Sách đỏ thế giới, hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc sắc… Nhiều tiềm năng của Kim Sơn dường như hãy còn “ngủ quên”, chưa xứng với thế mạnh vốn có của nó.

9-2-.jpg

Để đánh thức tiềm năng của vùng đất này, thời gian qua, khu vực ven biển Kim Sơn đã được Chính phủ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong vùng và kết nối phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng: hệ thống đê biển (từ đê Bình Minh 1 đến đê Bình Minh 4); hệ thống đường giao thông kết nối Quốc lộ 10, đường dẫn ra đảo Cồn Nổi dài gần 6km; tuyến đường ven biển, đường du lịch Bái Đính - Kim Sơn; khu tránh, trú bão cho tàu thuyền…

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển, tập trung xây dựng khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước.

Ông Trần Anh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, hiện huyện Kim Sơn đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê biển Bình Minh 2 đến đảo Cồn Nổi đến năm 2040. Quan điểm phát triển kinh tế ven biển Kim Sơn là theo hướng kinh tế tổng hợp. Tập trung thu hút, đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển một số khu công nghiệp sạch, thân thiện môi trường làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ đạt 3.358ha; sản lượng thủy sản đạt 48.400 tấn, trong đó, sản lượng ngao, hàu giống đạt 120 tỷ con; giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 500 triệu đồng/ha; diện tích rừng ngập mặn phấn đấu đạt hơn 1.400ha.

9-1-.jpg

Với mục tiêu đó, quy hoạch chung xây dựng khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi đã tập trung xây dựng Khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước, tạo nên cửa ngõ kết nối hỗ trợ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình. Riêng Khu vực Cồn Nổi đóng vai trò kết nối không gian biển, kết nối kinh tế biển với vùng Duyên hải Bắc Bộ, là điểm đến cho các lĩnh vực kinh tế mới của Ninh Bình chưa khai thác phát triển.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi là tiền đề để triển khai các chương trình phát triển và dự án đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Ninh Bình sẽ quy hoạch xây dựng thuận theo tự nhiên; đảm bảo các yếu tố về phòng chống thiên tai, mục tiêu chỉnh trị cửa Đáy, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu…

“Sau khi Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi đến năm 2040 và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu vực này được phê duyệt sẽ làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, trong đó, việc đầu tư phải đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng như việc phát triển tốt lĩnh vực công nghiệp, du lịch”, ông Khiêm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim Sơn sẽ trở thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO