“Kim chỉ nam” hồi sinh những dòng sông

Tống Minh| 12/05/2020 11:56

(TN&MT) - Những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về bảo vệ các lưu vực sông đã trở thành “kim chỉ nam” để các quyết sách được ban hành, giữ cho được nguồn mạch vốn là cơ sở đảm bảo cho phát triển bền vững.

Phải kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

Cách đây 7 năm, Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) đã thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong công tác BVMT. Nghị quyết hướng tới các mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (xử lý 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông), xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt; áp dụng thí điểm phương thức quản lý tổng hợp lưu vực sông; tập trung nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông là yêu cầu cấp thiết.

Tiếp đó, Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường  đã đặt ra những yêu cầu rất cụ thể về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Đó là tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, vào các khu công nghiệp. Yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Buộc đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải.

Theo Chỉ thị này, phải tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, kết hợp quy định về thải lượng chất ô nhiễm và sức chịu tải của môi trường.

Tầm nhìn chiến lược

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Chiến lược quốc gia, trong đó, đều coi vấn đề về quản lý tổng hợp, bền vững tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Cụ thể như: Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 , Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Cũng từ giai đoạn 2006 - 2008, các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được phê duyệt, triển khai .

Trên cơ sở các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ở cấp Trung ương, các địa phương cũng đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chính sách, quy hoạch, kế hoạch BVMT lưu vực sông tại địa phương. Tất cả các địa phương thuộc 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai đều xây dựng và triển khai kế hoạch triển khai Đề án BVMT lưu vực sông tương ứng trên địa bàn mình.

Tại những địa phương khác, BVMT lưu vực sông được lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường nói chung tại địa phương. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng việc cùng nhau định hướng và lập kế hoạch quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung và BVMT nước nói riêng.

Dựng hàng rào pháp lý

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Đó là Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng quy định quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính; quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lập chiến lược tài nguyên nước và quy hoạch tổng thể cơ bản tài nguyên nước.

Tài nguyên nước và môi trường nước lưu vực sông còn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác như: Luật Quy hoạch 2017, Luật Thủy sản 2017, Luật Đầu tư 2016, Luật Phí và lệ phí 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Phòng chống thiên tai 2013, Luật Đê điều 2006...

Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, với các điều khoản quy định về bảo vệ môi trường nước, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ TN&MT khẩn trương nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, với những nội dung mang tính đột phá về bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là các nguồn nước tại các lưu vực sông lớn, ….

Tiếp đó, năm 2017, Luật Thủy lợi được ban hành cũng đưa ra quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kim chỉ nam” hồi sinh những dòng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO