“Kim chỉ nam” cho thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học: Cần có tầm nhìn chiến lược và giải pháp bền vững

Tống Minh (thực hiện)| 22/07/2021 10:44

(TN&MT) - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, để giảm áp lực, ngăn đà suy giảm đa dạng sinh học, Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, giải pháp bền vững cho thập niên tới.

PV: Nhìn lại hành trình bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong những năm qua, theo ông, đâu là những dấu ấn mà chúng ta ghi nhận được, dù rằng, trước áp lực về sự phát triển kinh tế - xã hội và tác động của biến đổi khí hậu?

Ông Nguyễn Văn Tài:

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới. Công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, là một trong những giải pháp để phát triển bền vững đất nước. Thời gian qua, công tác bảo tồn ĐDSH đã có nhiều chuyển biến, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài

Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐDSH dần được hoàn thiện và tăng cường hiệu quả trong quá trình thực thi. Cùng với Luật Đa dạng sinh học, việc ban hành và sửa đổi các luật như: Luật Bảo vệ môi trường 2020 vừa được Quốc hội thông qua, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 và các văn bản khác đã tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật thống nhất và hiệu quả. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã có một bộ luật riêng về ĐDSH từ năm 2008 - Luật Đa dạng sinh học, và cũng là một trong các quốc gia đi đầu trong khu vực khi ban hành Nghị định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, được quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao.

Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái cũng được chú trọng phục hồi, đặc biệt là diện tích rừng trồng tăng lên, nhiều khu vực san hô được tái tạo. Công tác bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm được đẩy mạnh. Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể. Năm 2020, đã thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010. Hệ thống quản lý và cấp phép tiếp cận quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã đi vào hoạt động và tạo cơ hội để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo tồn.

PV: Thế nhưng bên cạnh những “gam màu sáng” trong bức tranh bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam, vẫn còn những điểm, vấn đề lớn, cấp bách, đó là sự suy giảm về ĐDSH. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài:

Đúng là chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng những hoạt động này trong thời gian qua là chưa đủ để giảm đà suy thoái của ĐDSH.

Theo Báo cáo Đánh giá toàn cầu về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái (IBPES, 2019), xu hướng suy giảm ĐDSH thể hiện rõ rệt ở các cấp độ hệ sinh thái, loài và gen: 75% diện tích đất đã có sự thay đổi, 66% diện tích đại dương bị các tác động tích lũy đe doạ đến sự tồn tại của các loài sinh vật, 85% diện tích vùng đất ngập nước bị mất đi. Một triệu loài, bao gồm 40% động vật lưỡng cư, hơn một phần ba động vật có vú biển và 10 phần trăm của tất cả các loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đây là hệ quả của việc dân số loài người đã tăng gấp đôi, nền kinh tế toàn cầu đã tăng gần 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng gấp 10 lần trong suốt 50 năm qua.

Rừng tràm Trà Sư (An Giang).

Có thể thấy, ở Việt Nam, trong thời gian qua, các hệ sinh thái tự nhiên suy giảm mạnh về diện tích, chia cắt, cô lập dẫn đến suy thoái về ĐDSH ở nhiều cấp độ khác nhau. Số lượng các loài bị đe dọa được đề xuất đưa vào Sách Đỏ giai đoạn tới tăng lên nhiều so với số loài ghi trong Sách Đỏ, Danh lục Đỏ 2007; số lượng cá thể của các loài nguy cấp bị giảm nghiêm trọng, thậm chí một số loài đã lâu không thấy xuất hiện trở lại…

Dẫn đến tình trạng như vậy, có thể kể đến các nguyên nhân chủ quan như sự gia tăng dân số và áp lực của việc chuyển đổi sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên kém bền vững, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ô nhiễm môi trường. Nhìn từ công tác quản lý thì hệ thống chính sách, pháp luật còn phân tán, thiếu đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thực thi pháp luật còn yếu kém, đầu tư cho bảo tồn ĐDSH còn hạn chế, nhận thức và ý thức của các cấp, các ngành, người dân còn bất cập.

PV: Vậy theo ông, những giải pháp nào được đặt ra trong thời gian tới để giảm áp lực, ngăn đà suy giảm ĐDSH và bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta?

Ông Nguyễn Văn Tài:

Vừa qua, Liên Hợp Quốc đã chính thức khởi động “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”. Hòa chung tinh thần đó, Việt Nam cũng cần có chiến lược dài hạn và các giải pháp đồng bộ và phù hợp gắn với thực trạng ĐDSH và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số giải pháp có thể thực hiện như sau:

Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động phục hồi, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, giống cây trồng, vật nuôi, trong đó ưu tiên cho phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên (rừng, san hô, cỏ biển, v.v.). Tiếp tục đẩy mạnh xác lập các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang ĐDSH, khu vực có ĐDSH cao, cơ sở bảo tồn ĐDSH và các di sản thiên nhiên.

Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cả nước đã thành lập mới 3 hành lang ĐDSH, 9 khu bảo tồn, nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha. Nhiều khu vực lãnh thổ của Việt Nam được trao tặng danh hiệu quốc tế như: 9 khu Dự trữ sinh quyển thế giới; 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới; 9 khu Ramsar; 10 Vườn di sản ASEAN.

Thứ hai, hình thành và thực hành các cơ chế kiểm soát các tác động từ phát triển kinh tế - xã hội lên ĐDSH, nhất là từ hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó cân nhắc đầy đủ việc chuyển đổi sử dụng đất, sử dụng đất, mặt nước, khu vực biển, xả thải gây ô nhiễm môi trường liên quan đến ĐDSH. Tiếp cận các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ tác động từ vấn đề môi trường toàn cầu này.

Thứ ba, tiếp cận khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, chia sẻ công bằng lợi ích từ tiếp cận và sử dụng nguồn gen thông qua việc lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hoạt động phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương.

Thứ tư, thúc đẩy hoạt động điều tra, đánh giá, kiểm kê, giám sát, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH cùng với truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức, hành vi, lối sống hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường trong xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kim chỉ nam” cho thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học: Cần có tầm nhìn chiến lược và giải pháp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO