Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La
(TN&MT) - Ngày 24/2, ông Phùng Kim Sơn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La đã chủ trì buổi làm việc với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để triển khai nhiệm vụ năm 2024; thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 1 cấp từ ngày 1/5/2016; gồm 3 phòng chuyên môn, 12 Chi nhánh Văn phòng tại 12 huyện, thành phố; 104 biên chế, 29 lao động hợp đồng.
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao
Trong năm 2023, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận, giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ đăng ký biến động đất đai của 329 tổ chức; gần 5.000 hồ sơ hộ gia đình, cá nhân từ Chi nhánh chuyển lên, 99% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Chi nhánh các huyện/thành phố tiếp nhận, giải quyết 37.200/38.564 hồ sơ.
Thực hiện trích đo địa chính thửa đất phục vụ các đoàn Thanh tra, kiểm tra của tỉnh, Sở về đất đai, khoáng sản và thu hồi đất của 48 khu đất. Hoàn thành phương án thống kê đất đai tỉnh năm 2022 theo chỉ đạo, đảm bảo thời gian, yêu cầu. Triển khai công tác thống kê đất đai năm 2023; đến nay đã tổng hợp xong phụ lục số 03.2, thu thập file số bản trích đo địa chính phục vụ thu hồi, chuyển mục đích… gửi UBND cấp xã thực hiện thống kê đất đai năm 2023.
Lãnh đạo, chỉ đạo 11/12 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật, vận hành cơ dữ liệu trên hệ thống phần mềm VBDLis và luân chuyển hồ sơ đất đai lên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thẩm định, ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong năm 2023, các Chi nhánh đã cập nhật trên 40.000 hồ sơ trên phần mềm VBDLis, 291 hồ sơ trên phần mềm VILIS 2.0, 72 hồ sơ trên phần mềm VNPT ILIS. Thực hiện kết nối liên thông thuế điện tử giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và Chi cục thuế khu vực đối với 11/12 huyện, thành phố.
Hoàn thành cơ bản thực hiện rà soát, thống kê, cập nhật cơ sở dữ liệu đối với các tổ chức được thuê đất tính đến ngày 29/12/2023. Đã xây dựng CSDL địa chính với hơn 913.000 thửa, trong đó, hơn 421.000 thửa đất đang vận hành trong CSDL địa chính.
Còn nhiều bất cập trong xây dựng CSDL đất đai
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là biên chế được giao chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trụ sở làm việc của các Chi nhánh hầu hết chưa được bố trí nhà làm việc riêng; nhiều chi nhánh quá chật chội, không đủ chỗ ngồi làm việc.
Đối với 6 huyện thực hiện dự án VILG về cơ bản được bố trí, đầu tư kho lưu trữ hồ sơ ổn định; còn lại 6 huyện/thành phố: Thành phố, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Bắc Yên, kho lưu trữ quá tải, không đảm bảo về diện tích, xuống cấp, ẩm thấp, không đảm bảo quy định về bảo quản tài liệu lưu trữ, an toàn phòng cháy chữa cháy...
Về công tác chuyên môn, sản phẩm bản đồ địa chính trước năm 2003 đã cũ, lỗi thời, giá trị sử dụng không còn được đảm bảo đã có biến động làm thay đổi hiện trạng, gây khó khăn cho công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính.
Nhiều bản vẽ sơ đồ giao đất thuộc Chỉ thị 10, sơ đồ thửa đất lưu trữ, không có tọa độ hoặc hệ tọa độ giả định. Bản đồ địa chính; Sổ địa chính; Sổ mục kê đất đai đã cũ, rách, nát (chủ yếu thuộc dạng giấy)… nên Chi nhánh không đủ cơ sở thực hiện cập nhật, chỉnh lý.
Dữ liệu đất đai được xây dựng trên phần mềm VBDLis còn nhiều thiếu sót về thông tin do dữ liệu phục vụ xây dựng CSDL đa phần là dữ liệu cũ, không được chỉnh lý qua nhiều thời kỳ, việc chuẩn hóa thông tin theo quy định mất nhiều thời gian, công sức. Khi thực hiện chuyển thuế sang cơ quan thuế phần mềm không tạm dừng luôn mà phải có kết quả mới tạm dừng để thực hiện nghĩa vụ tài chính, dẫn đến hồ sơ bị treo quá hạn.
Kiện toàn, xây dựng các nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Giám đốc Sở TN&MT Phùng Kim Sơn đã ghi nhận những kết quả mà hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký, thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT giao Văn phòng đăng ký đất đai tiếp tục tham mưu kiện toàn bộ máy hệ thống Chi nhánh Văn phòng cấp huyện theo hướng: Kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể về trực thuộc Sở; rà soát, sát nhập tổ chức phòng, chi nhánh có cùng chức năng, nhiệm vụ; kiện toàn nhân lực cho các chi nhánh còn thiếu.
Trình cấp có thẩm quyền bố trí, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc riêng cho các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố, đảm bảo điều kiện làm việc và lưu trữ hồ sơ. Tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Thực hiện thu giá dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký đất đai, hướng tới tự chủ về tài chính, cơ cấu tổ chức. Tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất các Chi nhánh về giải quyết TTHC, việc chấp hành các quy định pháp luật, hướng dẫn của Sở TN&MT trong công tác đăng ký đất đai. Xây dựng quy chế phối hợp với UBND các huyện, Phòng TN&MT, phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo lĩnh vực đất đai.
Tiếp tục tăng cường sự quan tâm, phối hợp, cải thiện cơ sở vật chất, đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động. Nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ trong giải quyết TTHC, đảm bảo tính thống nhất trong giải quyết TTHC; phân theo năng lực, quy hoạch để tổ chức thực hiện.
Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, chính lý, cập nhật hồ sơ địa chính.
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng kết nối, thống nhất, đồng bộ. Tăng cường phân cấp cho Văn phòng Đăng ký đất đai trong công tác quản lý viên chức, lao động hợp đồng. Quan tâm trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký đất đai theo quy định.