Kiến tạo tương lai bền vững

02/01/2019 07:06

(TN&MT) - Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng môi trường sống là yếu tố trung tâm - thông điệp quan trọng được khẳng định tại Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững” do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng.

img47 (5)
Ảnh: Việt Hùng

Nhìn nhận thấu đáo

Trong thế kỷ XXI, hai thách thức trung tâm của phát triển bền vững (PTBV) là vượt qua đói nghèo, bất bình đẳng và thiết lập lại sự cân bằng trong hệ thống sinh thái của Trái đất. Các giới hạn phát triển được xác định bởi khả năng tái tạo chu kỳ sống của Trái đất. Khi tăng trưởng bắt đầu phá vỡ sự cân bằng đó, hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ dẫn đến sự suy thoái và phá hủy Ngôi nhà chung của chúng ta. Sự phát triển của các quốc gia phải nhằm làm giảm lượng tiêu thụ quá mức, thiết lập lại hài hòa giữa con người với thiên nhiên, tạo nên PTBV của nhân loại. Những trụ cột của PTBV chỉ có thể đạt được từ một viễn cảnh toàn cầu.

Để thiết lập lại sự cân bằng với thiên nhiên, chúng ta phải thừa nhận giá trị nội tại của nó và thiết lập lại các nghĩa vụ của con người đối với thiên nhiên. Trái đất phải có quyền tồn tại, quyền duy trì các chu kỳ sống, quyền được tái sinh và phát triển. Hàng triệu con người đang rơi vào tình cảnh chết đói ở những vùng nghèo nhất trên thế giới, trong khi ở các khu vực giàu có nhất, hàng triệu USD được chi tiêu để chống lại nạn béo phì. Các quốc gia cần đảm bảo các quyền của người dân được dinh dưỡng hợp lý bằng cách tăng cường các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực, ngăn chặn việc đầu cơ, tích trữ và tạo sự ổn định của giá cả lương thực, thực phẩm. Cần góp phần tái lập sự hài hòa với thiên nhiên, hạn chế quá trình sa mạc hóa, hạn chế nạn phá rừng và hủy hoại đa dạng sinh học... “Sống hài hòa với thiên nhiên nghĩa là dựa vào thiên nhiên để sống, chứ không phải bóc lột thiên nhiên”.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG: “Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong - tấm gương thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới.Việt Nam đã hoàn thành được nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những hành động thực tế, nghiên cứu và lên kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ, thống nhất ý chí thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững - SDGs.”


Tầm nhìn chiến lược

Không nằm ngoài quỹ đạo vận động chung của thế giới tại Việt Nam, PTBV đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là mục tiêu chiến lược, lâu dài. Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế là một trong những mục tiêu đã và đang được người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện thực hóa bằng một loạt hành động, trong đó, có Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

img50 (1)
Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững và bảo đảo quốc phòng an ninh


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 17 mục tiêu và 115 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó, có những mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường như: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.

Giai đoạn 2017 - 2020, có 7 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện như: Hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; xây dựng các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các Mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; xây dựng và ban hành chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030; xây dựng bộ cơ sơ dữ liệu về các mục tiêu PTBV; thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu PTBV;...

Trong giai đoạn 2021 - 2030, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch Hành động để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các Mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các Mục tiêu PTBV, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu PTBV; chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới;…

ÔNG MARTIN CHUNGONG,TỔNG THƯ KÝ LIÊN MINH NGHỊ VIÊN THẾ GIỚI - IPU: “Việt Nam đã huy động được sự tham gia của lãnh đạo các cấp từ Chính phủ đến Hội đồng Nhân dân các cấp trong việc thực hiện SDGs. Trong đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò trung tâm thực hiện các SDGs, đảm bảo tất cả mọi đối tượng đều được thụ hưởng. IPU và UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh quá trình trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia trong thực hiện SDGs cấp khu vực và thế giới”.


Phát huy tối đa nguồn lực

Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành TN&MT đã và đang có nhiều quyết sách lớn thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm bảo vệ môi trường trong lành cho người dân, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

Xác định rõ quan điểm đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 3144/QĐ-BTNMT (8/12/2017) về việc ban hành Chương trình Hành động Bộ TN&MT thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Chương trình hành động của Bộ TN&MT với mục tiêu tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực TN&MT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tăng cường công tác quan trắc TN&MT, chủ động công tác giám sát, dự báo và cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động tạo được sự chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý tài nguyên và bảovệ môi trường, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành TN&MT trong những năm tiếp theo. Thực hiện nhất quán chủ trương “không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”.Chương trình Hành động đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý TN&MT, ứng phó với biến đổi khí hậu; bổ sung hệ thống pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành quy định về đăng ký kiểm kê và quan trắc tự động liên tục khí thải công nghiệp. Tăng cường quan trắc ô nhiễm môi trường biển, cảnh báo và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Triển khai có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại khu vực nông thôn, các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế đất liền, biển, đảo với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành TN&MT. Đẩy mạnh hợp tác liên vùng, hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, bổ sung hệ thống quan trắc nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, bão, lũ và các dạng thiên tai khác...

Trên cơ sở mục tiêu hành động, ngành TN&MT đã và đang tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo tương lai bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO