(TN&MT) - Đây là ý kiến của PGT.TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm đa dạng sinh học – Đại học Cần Thơ, trao đổi với phóng viên Báo TN&MT ngay trong khi cơ quan chức năng TP.Cần Thơ đang tiến hành giải phóng mặt bằng giao 102ha đất tại cồn Ấu cho Tập đoàn Vingroup triển khai thực hiện dự án xây dựng sân golf 18 lỗ và khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp.
Cồn Ấu là khu đất vàng về giá trị đa dạng sinh học đặc trưng của vùng ĐBSCL |
Theo PGS.TS Dương Văn Ni, việc kết hợp xây dựng Công viên cây bản địa trong quá trình triển khai dự án xây dựng sân Golf 18 lỗ tại cồn Ấu là việc hoàn toàn khả thi, phù hợp với yêu cầu thiết lập cảnh quan môi trường sinh thái của dự án đồng thời cũng có ý nghĩa rất tích cực trong việc bảo tồn các loài cây đặc trưng, quí hiếm bản địa, gìn giữ giá trị đa dạng sinh học đặc trưng cho vùng ĐBSCL. Việc này các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ hoàn toàn có thể hỗ trợ chủ dự án trong việc xác định danh mục các loại cây đặc trưng cần được bảo tồn và phù hợp với yêu cầu của dự án.
Ý kiến này có ý nghĩa tích cực giải tỏa nhiều mối quan ngại của công chúng sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, đổi dự án triển khai tại khu đất vàng về giá trị đa dạng sinh học cồn Ấu suốt từ hơn 10 năm qua. Bởi lẽ, vừa đảm bảo được yêu cầu khai thác diện tích đất vàng này vào mục đích bất động sản cao cấp của nhà đầu tư đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, trong số 152 loài, 116 chi thuộc 62 họ của 4 ngành thực vật có mạch là Bryophyta, Lycopodiophyta, Polypodiphyta vàMagnoliophyta có ở cồn Ấu sẽ được các nhà khoa học chọn lọc và hỗ trợ hướng dẫn chủ đầu tư (Tập đoàn Vingroup) giữ lại, tái lập và trồng mới phù hợp với mô hình qui hoạch xây dựng sân Golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đây.
Theo nghiên cứu của tác giả Đặng Vân Sơn – Viện Sinh học Nhiệt đới, ghi nhận giá trị đa dạng sinh học tại Cồn Ấu, cho biết trong số 152 loài thực vật tại cồn Ấu có 18 loài đặc trưng, đóng vai trò chủ đạo, cấu trúc nên thảm thực vật cho vùng. Thảm thực vật cồn Ấu hiện tồn tại 3 kiểu sinh cảnh, trong đó sinh cảnh thực vật tự nhiên có 9 kiểu sinh cảnh nhỏ, đặc trưng cho khu hệ thực vật vùng này. Sinh cảnh thực vật tự nhiên gồm: sinh cảnh với lục bình (Eichhornia crassipes (Maret) Solms), sinh cảnh với bèo tai chuột và bèo dâu, sinh cảnh với sen (Nelumbo nucifera Gaertn), sinh cảnh với thủy thực vật dính lá nổi (súng đỏ), sinh cảnh với sậy (Phragmites vallatoria (L) Veldk), sinh cảnh với nghể (Polygonum pulchrum BI), hội đoàn mái dầm (Aglaodorum griffithii Schott) chiếm ưu thế, sinh cảnh với bần chua (Sonneratia caseolaris (L) Engl); sinh cảnh thực vật trên đất canh tác; sinh cảnh trên đất thổ cư.
Cần nhắc lại là thảm thực vật cồn Ấu ngoài việc cung cấp lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng, dược liệu… còn có vai trò bảo vệ và cải tạo đất, bảo vệ môi trường giữ thế cân bằng cho hệ sinh thái. Vì lẽ đó, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đã nhiều lần đặc biệt lưu ý khi tham gia luận bàn về các dự án đầu tư vào đây rằng: “Cồn Ấu xưa nay được xem như là “lá phổi xanh” của thành phố”. Vì vậy, việc khai thác nguồn tài nguyên trên 184ha đất, đất mặt nước và thảm thực vật của cồn Ấu cần được quan tâm, hợp lý, khoa học để bảo tồn tính ổn định và lâu dài cho khu vực.
Đề nghị của PGS.TS Dương Văn Ni về việc kết hợp xây dựng Công viên cây bản địa trong dự án sân Golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại cồn Ấu đã được phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường trực tiếp chuyển đến lãnh đạo UBND cùng cơ quan chức năng TP.Cần Thơ trong một cuộc họp báo gần đây. Tại cuộc họp này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường - Nguyễn Thanh Hòa, cho biết: “Việc này là quyền quyết định của chủ đầu tư. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ sẽ phối hợp ngành chức năng gặp, trao đổi cụ thể với Tập đoàn Vingroup để họ có thể kết hợp trong quá trình triển khai thực hiện dự án sân golf 18 lỗ và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại cồn Ấu”.
Cồn Ấu nằm trong tầm quan sát rất lý tưởng từ cầu Cần Thơ. |
Cồn Ấu có tổng diện tích khoảng 130ha, nổi lên giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, cách Khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long) hơn 1.500m, cách bến Ninh Kiều khoảng 800m, cặp khu đô thị mới Nam Cần Thơ và cầu Cần Thơ - cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, chồm qua cồn Ấu nối hai bờ sông Hậu, khách bộ hành có thể ngắm nhìn toàn cảnh cồn Ấu...
Từ cuối tháng 5/2015, lãnh đạo thành phố đã chấp thuận dời dự án sân Golf từ quận Bình Thủy về cồn Ấu quận Cái Răng và giao 102ha đất cho Vingroup xây dựng sân golf, cây xanh, diện tích hơn 82ha và 15,6ha đất biệt thự, nghỉ dưỡng cao cấp. Vào thời điểm đó, ông Phạm Gia Túc, Phó bí thư Thành uỷ Cần Thơ, cũng đã đặc biệt lưu ý nhà đầu tư: “Làm sân golf, trồng cỏ sẽ phải sử dụng rất nhiều hoá chất. Phải làm thế nào để không thải hoá chất ra sông Hậu là việc Vingroup cần cam kết và hết sức xem trọng”.
Để giao 102ha đất cho nhà đầu tư triển khai dự án này, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Cần Thơ phải giải quyết thu hồi đất do 243 hộ dân đang sử dụng, trong đó phải giải quyết tái định cư cho gần 200 hộ. Trong đó, riêng dự án sân golf có 180 hộ bị ảnh hưởng và khu biệt thự có 63 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, phần lớn các hộ đều đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Cần Thơ – Nguyễn Thanh Hòa, cho biết, hiện đang tăng cường giải quyết, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt để hoàn tất việc giao đất cho nhà đầu tư vào cuối năm nay.
Hùng Minh