Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, để hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến việc vận hành 2 nhà máy, EVN và chủ đầu tư NMNĐ BOT Nghi Sơn 2 kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các dự án sắp triển khai tại cảng Nghi Sơn, đảm bảo không ảnh hưởng tới việc vận hành 2 nhà máy nhiệt điện; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới bãi thải xỉ của hai nhà máy. Cùng với đó, EVN đã kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành và liên tục duy trì công tác nạo vét luồng chung, đảm bảo duy trì dòng chảy 80m3/s tại kênh xả nước làm mát của hai nhà máy.
Cuộc họp từ đầu cầu EVN tại Hà Nội |
Về phía EVN, Tập đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư NMNĐ BOT Nghi Sơn 2, với các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa để trao đổi, nghiên cứu các giải pháp, nhằm đảm bảo hiệu quả chung cho các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, quan điểm của địa phương là việc phát triển các dự án tại cảng Nghi Sơn sẽ không ảnh hưởng đến các nhà máy điện. Việc đầu tư cảng sẽ được địa phương xem xét, bổ sung các điều kiện đảm bảo đường thoát nước làm mát của hai nhà máy điện. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang tiến hành nạo vét toàn bộ khu vực bến cảng, luồng cảng.
Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu EVN tới UBND tỉnh Thanh Hóa |
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thi giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của EVN và chủ đầu tư NMNĐ BOT Nghi Sơn 2 để nghiên cứu, giải quyết các vấn đề, đảm bảo hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy điện.
Trung tâm Điện lực Nghi Sơn bao gồm 2 NMNĐ Nghi Sơn 1 và Nghi Sơn 2. Trong đó, NMNĐ Nghi Sơn 1 (600MW) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; NMNĐ BOT Nghi Sơn 2 (tổng công suất 1.200MW) do liên doanh Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BOT sẽ đưa vào vận hành thương mại trong năm 2022.