Về công tác ứng phó bão, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công điện khẩn ứng phó với bão trong đó yêu cầu các đơn vị lực lượng vũ trang, Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công lực lượng đến các địa bàn để hỗ trợ nhân dân chằng, chống nhà cửa, hỗ trợ các địa phương di dời dân đến nơi trú ẩn an toàn. Đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản, an ninh vùng sơ tán dân và nơi trú ẩn. Chỉ đạo các phương tiện truyền thông tiếp tục tuyên truyền quyết liệt, khẩn cấp về tình hình diễn biến của cơn bão và hướng dẫn cách trốn, tránh và ứng phó với bão, để phòng tránh và khắc phục.
UBND các huyện, thị xã, thành phố ứng đủ kinh phí cho các hộ nghèo, cận nghèo mua dây, thiết bị chằng chống, đảm bảo đủ lương thực thực phẩm cho nhân dân vùng bão.
Đối với nuôi trồng thủy sản: Đảm bảo di dời và gia cố an toàn và tuyệt đối; không để nhân dân ở lại trên lồng bè, chòi canh. Đối với công trình đê biển xung yếu, cử cán bộ kỹ thuật trực 24/24 để xử lý và khắc phục sự cố. Đối với các công trình điện, thông tin liên lạc, cây xanh, bảng quảng cáo, tuyên truyền: Có kế hoạch bảo vệ và khắc phục sự cố.
Học sinh các cấp, cơ sở giảng dạy tập trung tạm dừng học tập ngày 25 và 26 tháng 12 năm 2017.
Đối với các công nhân các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất chủ động theo dõi tình hình bão để sắp xếp cho công nhân nghỉ làm nhằm đảm bảo tuyệt đối tính mạng của công nhân.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và huyện xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố sau bão.
Yêu cầu các sở, ngành và địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ tham gia sơ tán, khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai. Tạm dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung cho phòng, chống bão.
Trong sáng ngày 25/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo ứng phó với bão tại tỉnh Kiên Giang.