Tham gia đoàn công tác có ông Phan Đức Hiếu – Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; ông Phan Ngọc Mai và ông Hoàng Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ TN&MT.
Theo báo cáo của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, từ năm 2016 - 2017, Cục đã tiến hành xây dựng trụ mốc cho 65 trạm CORS. Nội dung chính là xây dựng 24 mốc trạm Geodetic CORS (mốc khoan sâu tới tầng ổn định) và 41 trạm mốc trạm NRTK CORS. Trong đó: 54/65 trạm CORS được bố trí tại các Đài/Trạm Khí tượng Thủy văn, 07/65 trạm đặt tại các cơ sở do Cục đang quản lý, 02/65 trạm đặt tại các đơn khác trong Bộ (Tổng cục Biển và Cty TNMT miền Nam) và 02/65 trạm đặt tại UBND huyện (Củ Chi và Phú Giáo).
Cục cũng đã xây dựng bãi tiếp địa, lắp đặt hệ thống chống sét cho các trạm CORS và mua sắm, lắp đặt thiết bị, phần mềm cho các trạm CORS. Hệ thống sử dụng công nghệ phần cứng và phần mềm của Leica, Thụy Sỹ. Ngoài ra còn sử dụng phần mềm Bernese 5.2 để xử lý GNSS với độ chính xác cỡ mm.
Ông Phan Ngọc Mai – Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Ứng dụng quan trọng nhất trong đo đạc bản đồ, quản lý đất đai chính là việc sử dụng số liệu cải chính mà hệ thống cung cấp để đo động thời gian thực (Network Real Time Kinematic - NRTK) với độ chính xác cỡ vài ba cm đáp ứng được hầu hết độ chính xác của tất cả các loại bản đồ hiện nay.
“Các kết quả đo thử nghiệm trên địa bàn Hà Nội (Hoàng Mai, Hà Đông, Sóc Sơn…), Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình… do nhiều đơn vị đo khác nhau và từ nhiều loại máy thu khác nhau đã cho kết quả tốt, khả quan. Sai lệch tọa độ khi đo vào các điểm thuộc lưới địa chính <3cm, sai lệch tọa độ khi đo vào các đỉnh thửa đất của tỷ lệ bản đồ 1:500 đều <5cm.” – Phó Cục trưởng Phan Ngọc Mai thông tin.
Với độ chính xác đạt được như trên, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ này trong đo đạc bản đồ địa chính là rất khả quan, đặc biệt là trong công tác đo đạc bản đồ địa chính, chỉnh lý biến động, giảm bớt việc xây dựng các lưới địa chính, lưới đo vẽ. Với thời gian xác định tọa độ của điểm chỉ trong thời gian từ 2”-5” sẽ giảm thiểu được thời gian đo ngắm, việc đo đạc không bị phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, thời điểm. Hiện nay đã có hơn 280 tổ chức cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ RTK qua RTCM của Cục. Số lượng thiết bị thường xuyên kết nối sử dụng khoảng 20 thiết bị và chắc chắn sẽ tăng lên khi hệ thống tại khu vực miền Trung và Nam bộ đi vào hoạt động.
Đối với việc thành lập bản đồ địa hình, độ chính xác vị trí trong đo đạc bản đồ địa hình thường có yêu cầu thấp hơn nhiều so với bản đồ địa chính. Tuy nhiên, trong bản đồ địa hình, yếu tố độ cao lại đóng vai trò quan trọng. Qua đo đạc kiểm tra độ cao tại các mốc độ cao quốc gia hạng I, II, III nhận thấy sai số xác định độ cao đạt từ 7cm-10cm, hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu đo đạc bản đồ địa hình quốc gia đòi hỏi độ chính xác cao nhất hiện nay (khoảng cao đều 0.5m).
Theo ông Phan Ngọc Mai, đến nay Dự án đã và đang được triển khai đúng tiến độ. Kết quả ban đầu hoàn toàn đạt theo mục tiêu đề ra. Hiện nay, đã lắp đặt và tích hợp xong thiết bị cho 17 trạm CORS khu vực đồng bằng bắc bộ đảm bảo phủ kín việc cung cấp số liệu phục vụ đo GNSS động thời gian thực (NRTK) độ chính xác cao khu vực các tỉnh: BắcNinh, Hà Nam, HàNội, HảiDương, HảiPhòng, HưngYên, Nam Định, NinhBình, TháiBình, VĩnhPhúc, và một phần các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Trong thời gian qua, Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, giới thiệu dịch vụ, ký các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với nhiều tổ chức trong và ngoài nước nhằm nỗ lực phát triển công nghệ này ở Việt Nam cho phù hợp với sự phát triển của khu vực và thế giới. Hiện nay, Cục cũng đang xây dựng Quy định kỹ thuật để làm cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng hệ thống này trong đo đạc bản đồ và các dịch vụ khác ở Việt Nam dự kiến sẽ trình Bộ ban hành vào quý II năm 2020 ngày sau khi toàn bộ 65 trạm CORS đi vào hoạt động.
Cục cũng đang phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong việc tiếp nhận thiết bị để trông coi bảo vệ, dự kiến trong tháng 7/2019 sẽ tổ chức bàn giao 15 trạm khu vực phía Bắc ngay sau khi Tổng cục Khí tượng Thủy văn có kinh phí đặc thù cho việc trông coi bảo vệ thiết bị, tiền điện cho các trạm này. Đối với các trạm còn lại sẽ tiếp tục bàn giao ngay sau khi được phê duyệt quyết toán hoàn thành.
Từ nay đến hết năm 2019, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ triển khai lắp đặt 48 trạm CORS còn lại, mở rộng phạm vi áp dụng NRTK cho khu vực ven biển miền Trung và Nam bộ. Đo nối, xử lý toán học, xác định các tham số, tích hợp hệ thống và đưa vào vận hành ổn định vào cuối 2019.
Phạm vi cung cấp dữ liệu RTK qua RTCM phục vụ đo động thời gian thực sau khi dự án kết thúc là hơn 80.000km2, chiếm ¼ diện tích cả nước trên địa bàn 36 tỉnh (14 tỉnh Bắc bộ, 18 tỉnh Nam bộ và 4 tỉnh Trung bộ). Độ chính xác cao của hệ thống cũng cho phép chúng ta có thể không cần xây dựng lưới địa chính, lưới đường chuyền đo vẽ, các mốc tọa độ hạng III (mốc địa chính cơ sở) trong thời gian tới để giảm chi phí đo đạc. Trong lĩnh vực Logistic, hệ thống cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định vị dẫn đường độ chính xác cao, đã có một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Logistic liên hệ với Cục để sử dụng dữ liệu của hệ thống.
Theo quy hoạch, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sẽ có khoảng 160 trạm CORS. Dự án này mới chỉ xây dựng 65 trạm, các khu vực còn lại cần có sự góp sức của UBND các tỉnh, các Sở Tài nguyên Môi trường trong việc chêm dày mạng lưới trạm CORS trên cơ sở 24 trạm Geoditic CORS của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chia sẻ dữ liệu dùng chung.
Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra trạm định vị vệ tinh tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” được xây dựng với mục tiêu ứng dụng các dịch vụ, tiện ích mà công nghệ GNSS đem lại trong ngành tài nguyên môi trường nói chung và đo đạc bản đồ nói riêng. Ngoài ra, còn đáp ứng các yêu cầu về định vị độ chính xác cao của các ngành khác như giao thông, xây dựng, nông nghiệp… Mạng lưới trạm định vị toàn cầu (trạm CORS) sẽ trực tiếp giải quyết các bài toán đòi hỏi độ chính xác cao trong nghiên cứu Trái đất, quan trắc dịch chuyển mảng kiến tạo, dự báo động đất, quan trắc lún trên diện rộng và đặc biệt là có khả năng cung cấp vị trí chính xác cỡ cm đang rất cần thiết trong đo đạc bản đồ hiện nay. |
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bản tin tiếp theo./.