Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT Đà Nẵng ngày 11/12/2015 |
Ngày 11/12, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng.
Phó Giám đốc Sở Lê Minh Hùng cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị số 10/CT-TTg, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND TP đã ban hành Công văn số 5786/UBND-VX yêu cầu tổ chức đưa nội dung về PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 – 2014. Sau 2 năm thực hiện, đội ngũ giáo viên được trang bị thêm kiến thức pháp luật về PCTN, có kế hoạch tự bồi dưỡng, sưu tầm tài liệu đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Vướng mắc nảy sinh, đó là: Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các trường THPT là nội dung mới, nhạy cảm; giảng dạy theo phương thức tích hợp nên cán bộ quản lý, thầy và trò còn lúng túng, bở ngỡ; giáo viên gặp khó trong việc tìm dẫn chứng, minh hoạ nhưng không làm cho các em có cái nhìn tiêu cực về xã hội.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiến nghị về lâu dài, nhất là khi biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, nội dung PCTN được thể hiện hợp lý, bài bản hơn; cấp có thẩm quyền cần biên soạn tài liệu về những tấm gương tiêu biểu trong công tác PCTN, những vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh để có tư liệu minh hoạ sinh động hơn trong quá trình giảng dạy.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi làm việc |
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã đánh giá cao nổ lực của Đà Nẵng trong việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được “phủ sóng” trên toàn địa bàn TP, nhất là Sở GD&ĐT đã chỉ đạo sâu sát, các trường triển khai có hiệu quả trong việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Mục tiêu quan trọng là truyền tải tới các thế hệ tương lai về một thái độ đúng đắn, tích cực đối với vấn đề PCTN. Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ nhằm giáo dục nhận thức và hành vi ngay từ khi còn học tập trong nhà trường. Sau giai đoạn 1 triển khai thực hiện, đã ổn định việc tổ chức thực hiện; thời gian đến Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm sơ kết, nâng cao chất lượng việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, để đạt được mục tiệu đề ra; mà sản phẩm của chúng ta là những con người đầy đủ năng lực, hành vi trong tương lai…
Trước đó, ngày 10/12, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh làm việc với Đại học Đà Nẵng ngày 10/12/2015 |
Theo báo cáo của ĐHĐN, 2 năm qua luôn thực hiện nghiêm túc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Đội ngũ giảng viên thuộc khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế) với 21 người được phân công giảng dạy phần Pháp luật đại cương cho các trường và cơ sở trực thuộc ĐHĐN. Việc tổ chức giảng dạy Học phần Pháp luật đại cương được thiết kế nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật, ngoài những vấn đề chung còn cung cấp một số kiến thức cơ sở của ngành Luật Dân sự, Hành chính, Hình sự và pháp luật về PCTN.
Ngoài ra, hoạt động ngoại khoá về giáo dục pháp luật và PCTN được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng; lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào chương trình của “Tuần sinh hoạt công dân” vào đầu năm học, đầu khoá học và tại các buổi sinh hoạt, đối thoại, văn hoá – văn nghệ… Đoàn Thanh niên các trường và đơn vị trực thuộc chủ động tổ chức “Ngày pháp luật”, đưa nội dung PCTN vào sinh hoạt và các hoạt động trong đoàn viên thanh niên. Từ đó, sinh viên tự nhận thức về PCTN để thực hiện tốt vai trò của công dân. Đặc biệt, sinh viên tự tin trong việc đề xuất các giải pháp nhằm PCTN trong nhà trường và tình hình hiện nay.
PGS, TS. Ngô Văn Dưỡng – Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, đơn vị đã triển khai môn học Pháp luật đại cương để đưa nội dung pháp luật về PCTN vào. Đây là chủ trương đúng, nhưng qua 2 năm đưa vào giáo dục chưa đánh giá được chất lượng sinh viên. Bên cạnh đó, còn bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện là: Đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên còn mỏng; kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho sinh viên còn hạn chế. Kinh phí thực hiện còn ít, nên các hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật PCTN cho sinh viên, sinh hoạt ngoại khoá chưa được tổ chức thường xuyên… Đề nghị Bộ GD&ĐT cần cập nhật thường xuyên, kịp thời các tài liệu, băng dĩa, sách báo; đặc biệt là các thông tin liên quan đến các vụ án, những diễn biến thực tại, nhằm giúp giảng viên nắm bắt là làm tốt nhiệm vụ được giao.
Tin & ảnh: Quỳnh Anh