Theo đó, lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại ba khu neo đậu, tránh trú; tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Đồng thời, rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo. Các địa phương khu vực đất liền, chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng… và các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng đang thi công; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, khu dân cư.
Các địa phương, đơn vị liên quan triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng; kích hoạt phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện. Cùng với đó, tổ chức vận hành điều tiết liên hồ chứa, các hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn đê kè sông, đê kè biển. Đơn vị chức năng triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại những khu vực nhân dân sơ tán đến và đi, khu vực neo đậu tàu thuyền.
Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Các lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh…
Trước đó, ngày 24/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cũng đã có Công điện số 06/CĐ-PCTT về chủ động ứng phó với bão gần Biển Đông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định: Tính đến 13 giờ ngày 25/9, toàn tỉnh còn 100 tàu nằm trong vùng nguy hiểm, tuy nhiên các tàu đang di chuyển ra khỏi vùng này. Ban Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị liên quan liên tục cập nhật số liệu để thông báo cho ngư dân.
Toàn tỉnh hiện có 163 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên, đến thời điểm báo cáo (13 giờ ngày 25/9), dung tích là 177/592 triệu m3, đạt khoảng 30% dung tích thiết kế, hiện có 24 hồ chứa cạn nước, các hồ còn lại đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để bảo đảm phòng, chống thiên tai và an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ năm 2022. Các hồ chứa đã sẵn sàng đón lũ.
Hiện số lượng tàu tại Cảng Quy Nhơn: 24 chiếc (có 2 tàu nước ngoài) đang làm hàng, 14 tàu thi công cầu cảng và nạo vét, 8 tàu thi công khu đô thị Hưng Thịnh, 10 tàu lai dắt, 2 tàu công vụ của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn.
Ban Chỉ huy giao cho Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn có trách nhiệm điều động tất cả các tàu vận tải và phương tiện thi công di chuyển tránh bão tại khu vực vịnh Xuân Đài tỉnh Phú Yên khi có bão.