Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số

Nguyễn Hiền| 09/11/2022 22:37

Chiều 9/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) phối hợp với Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu tổ chức Hội thảo Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số.

Hội thảo “Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số” là chương trình nằm trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm, đồ uống - Vietfood & Beverage - Propack 2022 diễn ra từ ngày 9 - 12/11 tại Hà Nội. Hoạt động nhằm thúc đẩy tính minh bạch và an toàn của thị trường nông sản, thực phẩm tại Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ số hóa giúp minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành một xu hướng trong những năm gần đây.

Theo đó việc minh bạch thông tin sản phẩm hiện nay không còn là việc đọc thông tin, mà còn tăng tương tác hai chiều giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

813164d7ba197c472508.jpeg
TS Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch HH Thực phẩm Minh bạch (AFT) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, T.S Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết: Minh bạch quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm là niềm mong mỏi của mọi người từ cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng và tự thân doanh nghiệp, khi họ muốn có được niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm thực phẩm an toàn và chất lượng của doanh nghiệp.

Hiện nay người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm tính minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực thực phẩm. Các quốc gia đều gia tăng tính minh bạch, công bố các bộ tiêu chuẩn; các chỉ tiêu kiểm nghiệm; các mức kiểm soát dư lượng. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam kí với các nước đều có yêu cầu minh bạch hoá thông tin.

f398b29a6f54a90af045.jpeg
Toàn cảnh Hội thảo.

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn hoặc thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm đạt bất kỳ một tiêu chuẩn nào tương đương của Việt Nam hoặc của bất kỳ một nước nhập khẩu nào, cần phải có được các bằng chứng chứng minh quá trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp mình là hợp qui và được áp dụng đúng trong thực tế.

Trước đây, để chứng minh điều này, cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải ghi chép và lưu trữ hàng tập hồ sơ giấy tờ dày cộp rất khó tìm kiếm khi có các yêu cầu kiểm tra, ngày nay nhờ các phần mềm kỹ thuật số, mọi chuyện đều có thể được ghi lại trên hệ thống phần mềm được truy xuất dễ dàng bằng máy tính, điện thoại, có thể được ghi lại và xem ở mọi nơi, mọi lúc khi có mạng internet. Công nghệ số đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng.

c11a02ffdf31196f4020.jpeg
Một số gian hàng tại Triển lãm về thực phẩm, đồ uống Vietfood & Beverage – Propack.

Với mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện minh bạch hoá sản phẩm của mình, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã đi tiên phong trong việc xây dựng các tiêu chuẩn minh bạch cơ sở, kết nối các hội viên của hiệp hội, các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước để cùng nhau phát triển một nền nông nghiệp, một nền sản xuất, kinh doanh thực phẩm lành mạnh, chất lượng và an toàn, đồng thời tạo sự thuận tiện, dễ dàng khi truy xuất thông tin minh bạch cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO