Kiểm soát chất thải chăn nuôi: Cần hành động thiết thực hơn

22/09/2015 00:00

(TN&MT) - Mặc dù, đã có rất nhiều chính sách về cơ cấu ngành, khoa học công nghệ và quy hoạch vùng… được áp dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm  trong ngành chăn nuôi song hiệu quả bảo vệ môi trường đến nay, vẫn chưa như mong đợi. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu và Chính sách ĐHQG.

PV: Để giảm phát thải trong chăn nuôi phải có những chính sách cụ thể như thế nào, về cơ cấu ngành, khoa học công nghệ và quy hoạch vùng, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng:  Hiện nay, cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi hộ gia đình, trung bình mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra 85-90 triệu tấn phân, nhưng chỉ khoảng 40% được xử lý, còn xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau đã được áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Trong đó, việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo quốc gia, miền, vùng sinh thái, cụm tỉnh cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược.

Chính sách quy hoạch sản xuất chăn nuôi, theo tôi cần xác định rõ vùng, khu vực và quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp giết mổ chế biến thực phẩm và trồng cây thức ăn chăn nuôi phù hợp với quy hoạch chung về kinh tế - xã hội của ngành và từng địa phương. Quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi trong phạm vi cả nước hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm đối với những loại vật nuôi chủ yếu như lợn, gia cầm và bò sữa, trâu, bò thịt nhằm phát huy lợi thế về sinh thái, khả năng đầu tư của từng vùng và nhu cầu phát triển cho tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Quy hoạch xây dựng các chợ đầu mối, các trung tâm hội chợ giao dịch mua bán vật tư, nguyên liệu chăn nuôi, thú y, đấu giá con giống và các sản phẩm chăn nuôi trong phạm vi vùng, khu vực.

Từ đó các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có quy hoạch chi tiết phát triển cho từng loại vật nuôi phù hợp với quy hoạch tổng thể của ngành và phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Quy hoạch, xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị các chợ tiêu thụ thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, trước hế t là ở các đô thị và khu công nghiệp. Và cùng với định hướng phát triển chăn nuôi 2015 và tầm nhìn 2020, ngành chăn nuôi sẽ tổ chức lại sản xuất ngành theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp gắn với giết mổ chế biến tập trung công nghiệp; từng bước đưa chăn nuôi nhỏ lẻ vào chuỗi sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đáp ứng đủ nhu cầu một số loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và chuẩn bị điều kiện để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Nhiều chính sách được áp dụng để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ảnh: MH
Nhiều chính sách được áp dụng để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ảnh: MH

PV: Mặc dù đã có rất nhiều cơ chế chính sách đối với ngành chăn nuôi nhưng như chúng ta đã biết, không ít các cơ sở chăn nuôi tập trung và cả nhỏ lẻ vẫn không theo quy hoạch, phá vỡ kế hoạch và gây ô nhiễm môi trường, vậy xin bà cho biết nguyên nhân nào gây ra tình trạng đó?

Mặc dù, chính sách cũng như những quy định pháp luật giảm phát thải trong chăn nuôi đã có nhưng các hoạt động thiết thực như đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thông tư hướng dẫn xây dựng đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường...  công tác thanh tra, kiểm tra, công tác hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị xử lý chất thải, cải thiện môi trường cho các quy mô chăn nuôi còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc lồng ghép công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi với các hoạt động chỉ đạo sản xuất, quản lý, thanh kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cũng chưa cao. Chưa xây dựng được đánh giá môi trường chiến lược trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi. Số lượng trang trại chăn nuôi xây dựng đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và thực hiện nghiêm túc còn ít. Vì vậy cần có những điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản đặc biệt là chính sách khuyến khích ưu đãi đặc biệt cho người nông dân cũng như ưu tiên hưởng các chính sách về cạnh tranh, hỗ trợ xây dựng thị trường, quảng bá thương hiệu cho họ.

PV: Theo bà, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, chúng ta cần phải định hướng phát triển ra sao, thưa bà?

Cùng với việc thúc đẩy những chính sách về khuyến khích đẩy mạnh quy hoạc vùng, ngành nông nghiệp còn có nhiều chính sách khác thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Cụ thể đó là chính sách đất đai hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giao đất, thuê đất theo qui định của phát luật về đất đai, được hưởng ưu đãi cao nhất về các chính sách đất đai của từng địa phương đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trang trại, công nghiệp; các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp và các cơ sở sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó Ngân sách Nhà nước hỗ trợ hạ tầng cơ sở khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp và giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp. Đặc biệt sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng chợ đấu giá con giống và sản phẩm chăn nuôi đối với lợn và trâu bò tại một số vùng có chăn nuôi phát triển.

Đối với chính sách thuế sẽ miễn 5 năm đầu thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp của 5 năm tiếp theo cho các các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến tập trung, công nghiệp. Miễn 2 năm đầu thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 năm tiếp theo cho các các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Thủy (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất thải chăn nuôi: Cần hành động thiết thực hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO