Kịch bản nghiệt ngã khi 'Sông băng Ngày tận thế' tan chảy
Với sự trợ giúp của tàu phá băng và robot dưới nước, mới đây, một nhóm nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sông băng Thwaites ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh và có thể sụp đổ theo cách không thể đảo ngược, gây ra thảm họa nước biển dâng toàn cầu.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng sông băng Thwaites, còn được biết đến với tên gọi “sông băng Ngày tận thế”, rất dễ bị tác động, một phần vì vị trí địa lý của con sông này. Sông có diện tích tương đương bang Florida của Mỹ, nằm trên nền địa hình dốc xuống, đồng nghĩa rằng khi tan chảy, sẽ có nhiều băng tiếp xúc với nước biển ấm hơn. Trước đây có rất ít hiểu biết về cơ chế đằng sau sự sụt giảm mực băng trên con sông này. Trong 6 năm qua, các nhà khoa học đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm để mang lại những hiểu biết rõ ràng hơn.
Theo đó, kể từ năm 2018, một nhóm các nhà khoa học tham gia Tổ chức Hợp tác sông băng Thwaites quốc tế (ITGC) đã nghiên cứu dòng sông băng phức tạp và luôn thay đổi này để hiểu rõ hơn về cách thức và thời điểm mà sông băng có thể sụp đổ. Những phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được trình bày qua một loạt nghiên cứu, cung cấp bức tranh rõ ràng nhất về dòng sông băng này.
Mới nhất, trong báo cáo công bố ngày 19/9, các nhà khoa học cảnh báo về một kịch bản “nghiệt ngã” đồng thời tiết lộ những kết luận chính sau 6 năm nghiên cứu. Theo đó, các nghiên cứu chỉ ra tốc độ mất băng dù đã ở mức nhanh nhưng sẽ còn tăng hơn nữa trong thế kỷ này. Rob Larter, nhà địa vật lý biển tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là thành viên của nhóm ITGC, cho biết mực băng trên sông Thwaites đã sụt nhanh đáng kể trong 30 năm qua. Các kết quả nghiên cứu cho thấy mực băng sẽ còn sụt nhanh và nhiều hơn nữa.
Nhóm nghiên cứu đã đưa 1 robot hình ngư lôi có tên Icefin đến dải tiếp đất của Thwaites, điểm mà băng bắt đầu nổi lên từ đáy biển, một điểm dễ bị tổn thương. Thông qua những hình ảnh mà Icefin gửi lại, nhóm đã phát hiện ra sông băng đang tan chảy theo những cách không ngờ tới, nước biển ấm có thể chảy qua các vết nứt sâu và tạo ra những bậc thang trong băng. Một nghiên cứu khác sử dụng dữ liệu vệ tinh và GPS để xem xét tác động của thủy triều và phát hiện ra rằng nước biển có thể len lỏi sâu hơn 9,6 km bên dưới Thwaites, đưa theo nước ấm xuống dưới lớp băng và gây ra hiện tượng tan chảy nhanh chóng.
Đi sâu nghiên cứu về lịch sử phát triển của Thwaites, nhóm nhà khoa học, trong đó có Julia Wellner, giáo sư tại Đại học Houston, đã phân tích lõi trầm tích biển để dựng lại quá khứ của sông băng và nhận thấy mực băng đã bắt đầu rút lui nhanh chóng vào những năm 1940. Tình trạng này có thể là do sự tác động của một đợt El Niño rất mạnh.
Các nhà khoa học dự đoán toàn bộ Thwaites và khối băng Nam Cực phía sau có thể biến mất vào thế kỷ 23, gây ra hậu quả tàn khốc. Khi tan chảy hoàn toàn, sông băng Thwaites sẽ giải phóng ra lượng nước có thể làm tăng mực nước biển lên hơn 0,6m. Ngoài ra, dòng sông băng này cũng đóng vai trò như một nút chai, chặn giữ dải băng Nam Cực rộng lớn, nên nếu cuối cùng sông băng này sụp đổ thì mực nước biển có thể sẽ dâng cao khoảng 3m, tàn phá các cộng đồng ven biển từ Miami và London đến Bangladesh và các quần đảo ở Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học cảnh báo kể cả khi con người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức thì cũng có thể đã quá muộn để cứu sông băng này. Tuy nhiên, nhóm cũng cho biết vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu thêm về dòng sông băng phức tạp này và để hiểu liệu tình trạng sụt giảm mực băng có thể đảo ngược hay không.