Khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi tối đa khoáng sản
(TN&MT) - Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được tổ chức vào ngày 15/9 tại Quảng Ninh, đã có nhiều ý kiến về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như đề xuất chính sách ưu đãi và thuế, phí nhằm khuyến khích tổ chức khai thác sử dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi tối đa khoáng sản.
Ông Phạm Nguyên Hải - Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo: Xây dựng cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp có cơ sở thu hồi tối đa khoáng sản
Để đảm bảo việc khai thác, tận dụng triệt để, không gây lãng phí tài nguyên có giá trị, tổ soạn thảo cân nhắc xây dựng cơ chế ưu đãi để các doanh nghiệp có cơ sở thu hồi tối đa khoáng sản có ích cũng như khoáng sản đi kèm, đồng thời đồng bộ hóa hệ thống quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản với các quy định pháp luật chuyên ngành khác, ví dụ như pháp luật về môi trường, về thuế, phí áp dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản, để tránh những bất cập, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực thi.
Cụ thể, đưa đất đá thải phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Địa chất và Khoáng sản (cũng như loại bỏ khỏi danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật) mà có thể xem là chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đồng thời giao cho địa phương quản lý, để khuyến khích việc tái sử dụng đất đá thải, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đối với thuế, phí áp dụng cho khoáng sản đi kèm, các chính sách cần làm rõ việc không thu tiền cấp quyền khoáng sản và phí bảo vệ môi trường với khoáng sản đi kèm (trừ trường hợp đã có cơ sở để xác định rõ trữ lượng cần thu hồi) và không yêu cầu điều chỉnh toàn bộ Giấy phép Khai thác để phục vụ mục đích thu hồi khoáng sản đi kèm (do hiện nay chỉ cần có công văn chấp thuận của cơ quan quản lý để thu hồi khoáng sản đi kèm cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp). Theo đó, chỉ thu thuế tài nguyên đối với khoáng sản đi kèm và sẽ được tính trên cơ sở khối lượng khoáng sản đi kèm là thành phẩm cuối cùng đã thu hồi được, đạt phẩm cấp thương mại và đã bán ra.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Công ty đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để xây dựng, ban hành công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đảm bảo dễ thực hiện, thống nhất chung trên phạm vi toàn quốc cho từng loại khoáng sản; đảm bảo trữ lượng tính tiền cấp quyền phù hợp với trữ lượng đã ghi trong giấy phép được cấp và cần có sự phân biệt giữa các cấp trữ lượng khác nhau do mức độ tin cậy, hiệu quả kinh tế giữa chúng là khác nhau; xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền theo diện tích và chiều sâu của phương án khai thác đã được phê duyệt khi cấp giấy phép thay vì theo phương thẳng đứng của ranh giới trên mặt để đảm bảo phù hợp với yếu tố kỹ thuật trong khai thác.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Xem xét điều chỉnh một số quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Theo dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng địa chất được phê duyệt nằm trong diện tích và chiều sâu theo phương thẳng đứng được phép khai thác và được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản.
Quy định này không phù hợp, vì đối với dự án khai thác lộ thiên phải đảm bảo yêu cầu về góc dốc sườn tầng, bờ mỏ, dẫn đến phần trữ lượng chiếu theo phương thẳng đứng nằm ngoài ranh giới thiết kế moong khai thác lộ thiên sẽ không được phép huy động vào khai thác.
Do vậy, cần điều chỉnh như sau: “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là phần trữ lượng địa chất huy động nằm trong không gian khai thác/biên giới thiết kế mỏ, được cấp có thẩm quyền thẩm định/phê duyệt làm cơ sở cấp giấy phép khai thác”.
Cũng theo dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu một lần hay nhiều lần căn cứ theo theo thời gian cấp phép khai thác khoáng sản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quy định của Luật này.
Quy định này cũng chưa phù hợp, khi thực tiễn khai thác trữ lượng khoáng sản có thể tăng lên, khác biệt so với trữ lượng khi tính tiền cấp quyền khai thác ban đầu, doanh nghiệp chưa nộp ngay được tiền cấp quyền phần tăng này. Do đó cần điều chỉnh: “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu một lần hay nhiều lần căn cứ theo thời gian cấp phép khai thác khoáng sản, theo sản lượng khai thác hằng năm và được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quy định của Luật này”.
Ông Tống Minh Hiểu, đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An: Gỡ vướng trong khai thác đá hoa trắng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu
Hàng năm các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng được cấp phép ngay khi giấy phép có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trước khi nhận giấy phép, doanh nghiệp không thể khai thác ngay hoặc đưa mỏ vào hoạt động bởi phải thực hiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để được giao đất, cho thuê đất (có những dự án mất cả chục năm). Như vậy, kể cả khi không tổ chức khai thác được hoặc khai thác không đạt công suất cấp phép, doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản tiền này, tạo áp lực, khó khăn tài chính đáng kể cho doanh nghiệp khi không có doanh thu mà vẫn phải nộp khoản tiền này vào ngân sách.
Mặt khác, đối với đá khối liên quan đến tỷ lệ thu hồi thực tế từ kết quả khai thác so với tỷ lệ thu hồi được phê duyệt trữ lượng từ báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, cụ thể: Tỷ lệ thu hồi đá khối (có khối tích >0,4 m3) khai thác được rất thấp (trung bình đạt 3-5%; có những mỏ không có sản phẩm thương mại) trong khi trữ lượng đá khối làm đá ốp lát được phê duyệt thường được xác định đạt 20-30% trên tổng khối của mỏ; điều này dẫn đến khối lượng đá tính tiền cấp quyền khai thác phải nộp cao gấp 5 đến 15 lần so với khối lượng đá khối thực tế khai thác được.
Như vậy, doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền lớn (gấp từ 5 đến 15 lần) để được cấp quyền cho loại đá mà thực tế không có được. Đây là một gánh nặng tài chính khổng lồ cần phải được đánh giá rất nghiêm túc. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xem xét thực trạng này trong khai thác đá hoa trắng tại Việt Nam.
Về giá tính thuế tài nguyên khoáng sản và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, quy định hiện hành của pháp luật về thuế tài nguyên cũng như phí bảo vệ môi trường chưa làm rõ và đưa ra mức giá cho từng mỏ khoáng sản cụ thể căn cứ vào chất lượng (hàm lượng) và điều kiện địa chất, điều kiện khai thác, hạ tầng kỹ thuật của mỏ để xác định mức giá cho phù hợp với đặc điểm của từng mỏ là chưa phù hợp gây bất lợi cho các mỏ cho chất lượng thấp, điều kiện kỹ thuật khai thác khó khăn (chi phí đầu tư lớn). Như vậy, sẽ không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác, chế biến để thu hồi tối đa khoáng sản có chất lượng thấp, nhất là đối với khối lượng đá dư thừa do không đạt quy cách như hiện nay.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, đề nghị xem xét những bất cập hiện nay trong quá trình khai thác đá hoa trắng để có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp đã và đang đầu tư dự án chế biến khoáng sản (nhất là Nhà máy chế biến hoạt động ổn định từ 3-5 năm).